Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Đại sứ kể hậu trường các chuyến thăm cấp cao Việt - Mỹ

Thứ bảy, 09/09/2023 | 02:37
[G-News24/7] -

Cùng với những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất trên tất cả lĩnh vực từ an ninh, kinh tế tới văn hóa, quan hệ Việt - Mỹ những năm qua cũng "chuyển mình" với các chuyến thăm cấp cao mang tính lịch sử. Chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013 là một sự kiện như vậy, khi hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.

"Nội bộ hai nước lúc đó chưa thống nhất ngay từ đầu cho việc nâng cấp quan hệ, nên công tác chuẩn bị cũng có nhiều công việc phức tạp phải xử lý", ông Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2011-2014, nói với VnExpress.

Ngày 23/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Hà Nội, lên đường sang thăm chính thức Mỹ ba ngày theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đây là chuyến thăm Mỹ thứ hai của người đứng đầu nhà nước Việt Nam sau 18 năm bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm đầu tiên là của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi tháng 6/2007, trong nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush.

fb-560x292-8462-1693907755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fECkXfPdfYrztcaNiW5PPw

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 7/2013. Ảnh: AFP

Khi đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở sân bay và tháp tùng ông dự một số hoạt động tại Washington, đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận thấy chân ông bị đau và gặp khó khăn mỗi lần lên xuống ôtô. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau đó nói với đại sứ rằng ông từng bị bắt và tra tấn trong chiến tranh.

Vì ông quyết không khai, một cố vấn Mỹ không giữ được bình tĩnh đã đạp thẳng vào chân ông, khiến nó bị gãy. Suốt mấy chục năm sau chiến tranh, chân ông luôn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

"Tôi lặng đi và sau đó chia sẻ câu chuyện với một cố vấn của Tổng thống Obama. Tôi cũng nói thêm rằng trong các lãnh đạo Việt Nam, nhiều người từng tham chiến và bị thương tật vì chiến tranh như ông Trương Tấn Sang. Có người thậm chí vẫn còn những mảnh đạn của Mỹ găm trong người, có người mất vợ con hoặc người thân trong chiến tranh. Do đó, việc lãnh đạo Việt Nam đồng ý gác lại quá khứ, vượt qua bất đồng để hướng tới tương lai, nâng cấp quan hệ với Mỹ đúng là cơ hội lịch sử", ông Cường cho hay.

Cố vấn của Tổng thống Obama tỏ ý đồng tình với đại sứ Cường và hỏi có thể báo cáo chi tiết này với người đứng đầu Nhà Trắng hay không. "Tôi nói là tùy ông ta quyết định. Qua câu chuyện này, lãnh đạo Mỹ cũng hiểu rõ hơn tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo ta, cũng như truyền thống bao dung, vị tha của người Việt Nam", đại sứ kể.

Khi Việt Nam và Mỹ đã thống nhất nội bộ và quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, phía Mỹ đề nghị hai bên cùng ra một thông cáo báo chí dài không quá một trang về dấu mốc này sau cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và việc nâng cấp quan hệ là sự kiện quan trọng, nên hai bên cần ra tuyên bố chung nêu rõ nguyên tắc và nội hàm của đối tác toàn diện.

"Việt Nam đã chủ động trao cho Mỹ bản dự thảo tuyên bố chung. Sau trao đổi, hai bên thống nhất ra tuyên bố chung dài khoảng 3-4 trang với các nội dung căn bản như Việt Nam đề nghị", ông Cường kể.

Trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện giữa hai nước, lần đầu tiên hai bên xác định rõ nguyên tắc quan hệ là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Các đời Tổng thống Mỹ từ thời ông Obama đến nay nhiều lần tái khẳng định chính sách của Mỹ là ủng hộ một nước Việt Nam "hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Hai năm sau chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, quan hệ Việt - Mỹ chứng kiến thêm một dấu mốc lịch sử khác khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.

"Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư tới Mỹ", ông Phạm Quang Vinh, đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ cuối năm 2014 tới giữa năm 2018, nhấn mạnh.

Ông Vinh cho biết lời mời Tổng bí thư thăm Mỹ được đưa ra khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Việt Nam vào năm 2012. Tuy nhiên, do hai bên có những khác biệt về thể chế chính trị với nhiều vấn đề cần trao đổi, nên tới năm 2015, chuyến thăm đặc biệt này mới diễn ra.

"2015 là năm kỷ niệm 20 năm quan hệ hai nước. Một chuyến thăm như vậy diễn ra vừa mang tính thực chất, vừa mang tính biểu tượng cực kỳ quan trọng đối với hai nước", ông Vinh nói.

Vào giữa tháng 2/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry điện đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ngoài những trao đổi thông thường, ông Kerry thay mặt chính quyền Tổng thống Obama gửi lời mời tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, theo ông Vinh.

Đại sứ cho biết ngay từ đầu tháng 5, phía Mỹ đã thông báo về chuyến thăm, trong đó hai bên thống nhất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào ngày 7/7. "Đây có lẽ là một trong những lần thông báo chuyến thăm sớm nhất", ông Vinh nói.

Capture-JPG-5109-1693554790-6233-1693907755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q0DS_eIEzG7XRhzmpVaXwQ

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7/7/2015. Ảnh:TTXVN

Theo kế hoạch ban đầu, Tổng thống Obama sẽ tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục và hai lãnh đạo sẽ hội đàm trong 60 phút, trong đó có 15 phút gặp gỡ báo chí. Tuy nhiên, cuộc hội đàm thực tế đã diễn ra trong gần 90 phút, trong đó hai bên trao đổi khoảng 75 phút. Điều đó cho thấy cuộc trao đổi đã có "rất nhiều vấn đề hấp dẫn".

Tuyên bố tầm nhìn sau cuộc gặp gọi đây là "chuyến thăm lịch sử" của Tổng bí thư trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. "Điều này mang tính biểu tượng cao và cho thấy sự tôn trọng thể chế chính trị, cũng như thể hiện quan hệ hai nước cũng mang tính lịch sử", ông Vinh cho biết.

Nhiệm kỳ của đại sứ Phạm Quang Vinh cũng chứng kiến hai chuyến thăm Việt Nam của hai đời tổng thống Mỹ. Tháng 5/2016, Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam, hội đàm với các lãnh đạo cấp cao nhất.

"Chuyến thăm vừa nhấn mạnh quan hệ Đối tác toàn diện, vừa khẳng định Mỹ rất coi trọng vai trò địa chiến lược và đóng góp của Việt với châu Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Vinh nói. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, "xóa bỏ một trong những rào cản hay hệ lụy cuối cùng của thời kỳ cấm vận".

Nửa năm sau, việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2016 đã gây bất ngờ cho thế giới. Rất nhiều nước trong và ngoài khu vực, trong đó có khối ASEAN, đều muốn xem Tổng thống Mỹ với lập trường "Nước Mỹ trên hết" sẽ thay đổi quan hệ hợp tác với các nước như thế nào.

Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm, khi quan hệ với Mỹ mới ở mức đối tác, theo ông Vinh. Giữa tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm "cởi mở và chân thành" với Tổng thống đắc cử Mỹ. Sự kiện này cũng đã tạo đà cho chuyến thăm Washington của Thủ tướng Việt Nam vào tháng 5/2017, trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á thăm Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump.

"Nỗ lực đó đã giúp quan hệ Việt Nam và Mỹ không bị xáo trộn và tiếp tục phát triển", ông Vinh cho hay.

Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump tới Đà Nẵng dự tuần lễ cấp cao APEC và thăm cấp nhà nước Việt Nam vào đầu tháng 11/2017.

92b9a82bd0b83ce665a9-1-1510483-6090-5063-1693907756.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-Ia0uxb4KbQYnH-GpG2gdg

Lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 12/11/2017. Ảnh: Giang Huy

Phát biểu khi thăm Hà Nội, ông Trump nhấn mạnh "trong hơn hai thập niên qua, hai nước chúng ta đã đến cùng nhau, xác định mục tiêu chung, dựa trên lợi ích chung. Mối gắn kết quan trọng đó là điều mà chúng ta, ở đây, hôm nay, tái khẳng định".

Đánh giá quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm Đối tác toàn diện, đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định đây là "giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất và thực chất nhất trên tất cả các lĩnh vực", trong khi đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng quan hệ hai nước đã trở nên sâu sắc hơn với những thay đổi "cả về chất và lượng".

Thanh Tâm

g-news247