Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch của chính quyền cấp tỉnh

Thứ năm, 14/09/2023 | 07:37
[G-News24/7] -

TÓM TẮT:

Bài viết nêu tổng quan và đánh giá các công trình nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch của chính quyền cấp tỉnh. Qua nghiên cứu cho thấy, việc hình thành một khung chính sách phát triển du lịch cho chính quyền cấp tỉnh (theo cách tiếp cận cung cầu du lịch, chuyển đổi chính sách trong bối cảnh thay đổi môi trường tự nhiên và công nghệ, hợp tác chính sách giữa các chính quyền địa phương) nhằm phát triển bền vững du lịch của một địa phương là thực sự cần thiết.

Từ khóa: phát triển du lịch, chính sách phát triển du lịch, chính quyền cấp tỉnh.

1. Đặt vấn đề

Chính sách của địa phương nhằm phát triển du lịch là chính sách công hay là một chính sách bộ phận của hệ thống chính sách kinh tế nói chung xét theo lĩnh vực hoạt động. Chính sách của địa phương nhằm phát triển du lịch là một chuỗi các quyết định hoạt động của chính quyền địa phương với mục tiêu khai thác tiềm năng và lợi thế về du lịch của địa phương để phát triển du lịch và mang lại lợi ích tối đa cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá tổng quan chính sách phát triển du lịch của chính quyền cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu tìm ra được các khoảng trống, từ đó làm cơ sở, căn cứ cho việc lựa chọn hướng nghiên cứu phù hợp, nhằm giải quyết bài toán về chính sách phát triển du lịch của chính quyền địa phương.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

2.1. Nghiên cứu về du lịch, năng lực cạnh tranh về du lịch

Hiện nay, đã có các nghiên cứu điển hình trong nước như Đính và Hòa (2008) trong giáo trình “Kinh tế du lịch” nghiên cứu các khái niệm và các cơ sở lý thuyết liên quan đến du lịch; nhu cầu, loại hình và các lĩnh vực kinh doanh du lịch; điều kiện phát triển du lịch; tính thời vụ trong du lịch, kinh tế du lịch (lao động, cơ sở vật chất - kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh tế du lịch). Goeldner & Brent Ritchie (2011) trong giáo trình “Tourism: Principles, Practices, Philosophies” tập trung khái niệm chính trong du lịch, du lịch và sự giàu có của bất kỳ quốc gia, các nguyên tắc, thực hành và triết lý ảnh hưởng đến các khía cạnh văn hóa, xã hội, kinh tế, tâm lý và marketing của ngành du lịch.

Du lịch là một hoạt động có tính thời vụ cao, nhất là hoạt động du lịch biển, do đó “Nghiên cứu ảnh hưởng của tính mùa vụ du lịch đến hoạt động du lịch ở Việt Nam” của Nguyễn Thăng Long (1998) đã nghiên cứu tác động của tính thời vụ đối với hoạt động của một số loại hình du lịch chủ yếu ở Việt Nam. Thơ (2007) về “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế" đã tập trung nghiên cứu tính cạnh tranh của 3 nhóm sản phẩm du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch sinh thái Việt Nam.

Một số nghiên cứu tập trung về một loại hình du lịch nhất định như du lịch biển, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái v.v… như: Thăng (2008), nghiên cứu về “Kinh tế biển Việt Nam - tiềm năng, cơ hội và thách thức”, Hoa (2001), nghiên cứu về “Cơ sở khoa học xây dựng hệ thống tiêu chí môi trường cho hoạt động du lịch biển ở Việt Nam”; Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội (2020), nghiên cứu về “Luận cứ khoa học về tổ chức không gian, xác lập mô hình và đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững khu vực ven biển và biển đảo Việt Nam”; Hiền (2014) nghiên cứu về “Làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế”; Thắng (2012), nghiên cứu về “Nghiên cứu tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái một số trọng điểm vùng du lịch Bắc Trung Bộ”.

Những nghiên cứu khác nghiên cứu cụ thể về tính cạnh tranh của các điểm đến, các nhân tố ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các điểm đến như: Phong (2020), nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ". Cũng tiếp cận theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu và phát triển du lịch (2019), nghiên cứu về “Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”, đã làm rõ được vị trí và vai trò của việc xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch, quy trình xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch và sự giống, khác nhau của việc xây dựng thương hiệu các cấp. Hà Văn Siêu (2011), trong nghiên cứu “Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam bước sang thập kỷ tới 2011-2020" đã dựa vào mô hình SWOT để đưa ra những nhận định mang tính tổng quát về điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức làm tiền đề cơ sở cho các bên liên quan xem xét và hóa giải bằng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và hành động cụ thể phù hợp với tình hình. Theo Oanh (2015), “Đánh giá năng lực cạnh tranh du lich biển, đảo của tỉnh Nghệ An và khuyến nghị chính sách” đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và gợi ý các giải pháp chính sách cho cho tỉnh Nghệ An.

Như vậy, hướng nghiên cứu về du lịch, năng lực cạnh tranh về du lịchtập trung vào xác định phạm vi của du lịch, loại hình sản phẩm du lịch, những đặc điểm của các sản phẩm du lịch, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm du lịch; năng lực cạnh tranh của các điểm đến ở cấp độ quốc gia và ở cấp độ địa phương, đó là những cơ sở để các nghiên cứu đề xuất các giải pháp đối với ngành du lịch. Đây là hướng nghiên cứu chủ yếu trong những năm qua, tuy nhiên, những nghiên cứu này mới chỉ chủ yếu cung cấp cơ sở cho các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh - một khía cạnh của phát triển du lịch.

2.2. Nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững

Đây là một hướng nghiên cứu nổi bật liên quan đến lĩnh vực du lịch với nhiều công trình nghiên cứu và với các hướng tiếp cận khác nhau. Tựu chung lại những nghiên cứu theo hướng này đều xác định các góc độ phát triển bền vững, các tiêu chí phát triển bền vững theo các góc độ, các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững, từ đó cung cấp cơ sở cho quản lý nhà nước về du lịch hoặc xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển du lịch.

Theo Lương (2002) về “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” đã tiếp cận về phát triển du lịch từ góc độ khai thác sử dụng tài nguyên và thực trạng môi trường du lịch, áp dụng ở khu vực cụ thể. Phát triển du lịch bền vững được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2019) nghiên cứu trong Đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”. Theo Hòe và Hiếu (2001), trong cuốn “Du lịch bền vững” chứng minh do tính nhạy cảm của hoạt động du lịch ở ven biển nên cần thiết phải có những chính sách phù hợp để đảm bảo tính bền vững của khu vực cũng như quốc gia, vùng hay địa phương trong phát triển du lịch. Theo Đông (2014) trong “Phát triển du lịch bền vững Bà Rịa - Vũng Tàu” đã tiếp cận phát triển du lịch bền vững theo các nội dung: xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững; phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch; nâng cao số lượng, chất lượng các nguồn lực cho ngành du lịch; nâng cao năng lực và tạo lập sự liên kết các chủ thể tham gia hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng môi trường cho phát triển du lịch.

Hương (2017), nghiên cứu về “Phát triển du lịch bền vững của tỉnh Phú Thọ” cũng có cách tiếp cận tương tự Vũ Văn Đông (2014), trong đó công trình tập trung khai thác khía cạnh bền vững và các nhân tố tác động đến phát triển bền vững của du lịch tỉnh Phú Thọ. Nguyễn Vương và Nguyễn Văn Mạnh (2021) có bài viết về “Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Bài viết nhằm công bố nghiên cứu việc xây dựng mô hình đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng phương pháp thang đo điểm tổng hợp kết hợp với phương pháp phân tích thứ bậc. Một số nghiên cứu sâu vào các giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm du lịch có lợi thế của địa phương như du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng.

Theo Siêu (2012) về "Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch biển đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ" đã đưa ra nhận định du lịch biển đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn vừa qua có bước tăng trưởng nhanh, khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo Hạnh (2008), nghiên cứu phát triển du lịch theo cách tiếp cận phát triển sản phẩm đã có công trình về “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch biển - đảo vùng du lịch Bắc Bộ”.

Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (2013) đã xây dựng tài liệu về phát triển du lịch cộng đồng dựa vào thị trường. Theo Thành và Thanh (2009) với bài viết “Đề xuất mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng” đã dựa vào cơ sở phân tích đặc điểm kinh tế, chính trị- xã hội của Việt Nam hiện nay, đề xuất cách tiếp cận cộng đồng trong phát triển du lịch cộng đồng tại các di sản vật thể thế giới tại Việt Nam. Nghiên cứu của Goeldner & Brent Ritchie (2011) về “Tourism: Principles, Practices, Philosophies” cũng trao đổi về khía cạnh phát triển du lịch. Ở giác độ này, nghiên cứu đã khái quát về mục tiêu phát triển du lịch, đặc biệt đề cập đến quá trình phát triển du lịch là một quá trình chính trị.

Có thể nhận thấy, các nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch trong thời gian qua đang dừng lại ở khía cạnh trao đổi về sự bền vững trong phát triển du lịch, phát triển bền vững các sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình thực tế địa phương, quốc gia. Các đề xuất gợi mở giải pháp phát triển bền vững cho cả từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, công đồng. Tuy nhiên, những trọng tâm chính sách của Nhà nước để đạt được sự bền vững đó chủ yếu mới ở mức gợi ý.

2.3. Nghiên cứu quản lý nhà nước về phát triển du lịch

Theo cách tiếp cận này, một số nghiên cứu tập trung chủ đề quản lý nhà nước về du lịch. Một số nghiên cứu khác đi sâu nghiên cứu quản lý nhà nước đối với một số nguồn lực phát triển du lịch. Các nghiên cứu khác tập trung vào một số chức năng quản lý nhà nước về phát triển du lịch.

Một số nghiên cứu tập trung chức năng quản lý nhà nước về du lịch như: Luận án tiến sĩ “Hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” của Vinh (2008) đề cập tới quản lý nhà nước về du lịch, chủ yếu là quản lý của cấp chính quyền địa phương, cụ thể là của tỉnh Lâm Đồng. Theo Hào (2002) xem xét quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch trong đề tài “Cơ sở khoa học cho các chính sách, giải pháp quản lý khai thác tài nguyên du lịch ở Việt Nam”.

Những công trình nghiên cứu khác tập trung cụ thể vào nội dung quản lý nhà nước đối với kinh doanh du lịch, các yếu tố cần thiết cho kinh doanh du lịch. Theo Dũng (1989), “Một số vấn đề về tổ chức và quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế ở Việt Nam” nghiên cứu về khía cạnh quản lý nhà nước trong kinh doanh du lịch. Hoàng Văn Hoan (2002) trong luận án “Hoàn thiện quản lý nhà nước về lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam” đã nghiên cứu góc độ các công cụ quản lý nhà nước đối với lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Theo Dũng (1995) về “Tổ chức quản lý khai thác các di tích và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam trong cơ chế thị trường” đã nghiên cứu quản lý nhà nước về khai thác các tài nguyên du lịch; Ngân hàng thế giới (2018) áp dụng lý thuyết thay đổi trong phát triển du lịch trong tài liệu “Tourism Theory of Change”.

Các nghiên cứu cụ thể một chức năng quản lý nhà nước về du lịch như quy hoạch du lịch, kế hoạch du lịch, chương trình du lịch như Lanqua & Raynouard (tài liệu dịch năm 2003), Var. T và Gunn. C (2003), Priscilla & Wariboko (2015)… Tài liệu“Quy hoạch du lịch” của Lanqua & Raynouard do Bắc (2005) dịch, đã tổng quan được các vấn đề liên quan đến kế hoạch hóa và phát triển du lich trên thế giới. Công trình “Tourism Planning” của Var. T và Gunn. C (2003) đã khẳng định sự khác biệt của ngành du lịch so với các ngành kinh tế khác. Priscilla & Wariboko (2015) về “Tourism Planning and Development” đã nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế đang phát triển rất nhanh và ngày càng trở nên phổ biến hơn giữa các quốc gia.

Một số nghiên cứu tập trung vào khía cạnh quy trình quy hoạch du lịch. Bhatia (2006) về “Tourism Development” phác thảo những giai đoạn sau trong việc lập quy hoạch du lịch: (1) đánh giá về cung và cầu du lịch; (2) thiết lập các mục tiêu; (3) quy hoạch lãnh thổ; (4) cơ sở hạ tầng cơ bản; (5) lập kế hoạch tài chính; (6) lập kế hoạch nguồn nhân lực; (7) tổ chức bộ máy; (8) tiếp thị và quảng bá; (9) giám sát quá trình; (10) yếu tố thời gian.

Tuy nhiên, Roday, Biwal và Joshi (2010) và Gee (1997) đưa ra một chuỗi lập quy hoạch du lịch tương tự và đơn giản hơn: (1) xác định hệ thống, mục tiêu và mục tiêu; (2) thu thập dữ liệu liên quan; (3) phân tích và giải thích dữ liệu; (4) lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch; (5) phê duyệt và hoàn thiện quy hoạch; (6) thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch cuối cùng. Priscilla & Wariboko cũng đồng quan điểm với Roday và các tác giả về quy trình quy hoạch, gồm các bước: (1) Giới hạn hệ thống, xác định mục đích và mục tiêu; (2) Thu thập dữ liệu liên quan; (3) Phân tích và giải thích dữ liệu; (4) Lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch; (5) Phê duyệt và hoàn thiện kế hoạch; (6) Thực hiện và giám sát.

Goeldner & Brent Ritchie (2011) về “Tourism: Principles, Practices, Philosophies” cũng giới thiệu nội dung về quy hoạch/kế hoạch du lịch. Theo Siêu và Tuấn (2010) trong bài viết “Quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung trong liên kết phát triển vùng" đã nhận định được nét tương đồng và đặc trưng cơ bản của duyên hải miền Trung là du lịch biển, đảo gắn với các di sản văn hóa đặc sắc và hệ sinh thái đa dạng. Bùi Thị Hải Yến (2007) về “Quy hoạch du lịch” đã phân tích dự báo về nhu cầu du lịch, tổ chức thực hiện đánh giá tác động từ du lịch, quy hoạch du lịch ở vừng biển, vùng núi, vùng nông thôn và ven đô. Lan (2001) đã nghiên cứu luận án về“Nghiên cứu sinh thái đô thị du lịch trong quy hoạch xây dựng đô thị ven biển Việt Nam”. Ở đó tác giả đã đưa các luận chứng khoa học về vị trí và vai trò của sinh thái đô thị du lịch trong quá trình qui hoạch đô thị ven biển Việt Nam.

Nhìn chung, các nghiên cứu quản lý nhà nước nói chung và nhiệm vụ quản lý nhà nước nói riêng liên quan đến phát triển du lịch đã tạo những cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước cũng như các nhiệm vụ cụ thể về quản lý nhà nước. Tuy vậy, những khoảng trống còn tồn tại trong các nghiên cứu này là vai trò của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh trong đề xuất và thực thi các sáng kiến chính sách để tạo động lực phát triển du lịch địa phương.

2.4. Nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch

Các nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch theo các hướng tiếp cận nghiên cứu phạm vi chính sách: nội hàm chính sách du lịch, chính sách phát triển du lịch. Nghiên cứu chính sách phát triển du lịch cũng có một số tác giả tập trung chính sách đối với sản phẩm/dịch vụ du lịch, chính sách phát triển tài nguyên du lịch ở một số điểm đến, địa phương, quốc gia cụ thể.

Thứ nhất, hướng nghiên cứu lý thuyết nội hàm chính sách du lịch, chính sách phát triển du lịch

Yyếu tố cơ bản của chính sách phát triển du lịch, các vấn đề chính sách quan tâm, quy trình chính sách, mối quan hệ giữa chính sách quy hoạch du lịch tới mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, môi trường. Biederman (2008) trong cuốn “Travel and Tourism: An Industry Primer” tập trung vào nguyên tắc cơ bản về kinh tế của từng lĩnh vực, xem xét và tổng kết tác động trong nước và toàn cầu của du lịch. Một số nghiên cứu khác tập trung vào khía cạnh “chính sách du lịch” đã làm rõ những quan điểm về chính sách du lịch như “Tourism Policy” của tác giả Velasco, M (2016). Goeldner & Brent Ritchie (2011) về “Tourism: Principles, Practices, Philosophies”, chính sách, quy hoạch về du lịch cũng được trao đổi theo cách tiếp cận cung cầu về du lịch, những tác động kinh tế của du lịch. Shuraiki. T (2001) đề cập trong tài liệu “Tourism Policy” về nội hàm và các cấp chính sách. Theo nghiên cứu này chính sách đề cập đến một kế hoạch tổng thể, cấp cao bao gồm các mục tiêu và thủ tục. Các chính sách thường được tìm thấy trong các tuyên bố chính thức như luật và các văn bản và tuyên bố chính thức. Chính sách du lịch thường được coi là một lĩnh vực trong chính sách kinh tế tổng thể của một quốc gia.

Sellal và cộng sự (1980) trong cuốn “Sản phẩm du lịch: Chính sách du lịch” đã đề cập đến chiến lược phát triển, vai trò của Nhà nước và sự quản lý đối với hệ thống các yếu tố phục vụ cho du lịch như công tác tài chính, khách sạn nhà hàng, nguồn nhân lực, marketing và công tác kiểm tra là những yếu tố quyết định sự phát triển du lịch của các quốc gia cũng như các vùng và địa phương. UNCTAD (1973) trong cuốn “Các yếu tố của chính sách phát triển du lịch quốc gia” đề cập đến chính sách và các thiết chế dành cho du lịch, nguồn lực tự nhiên, văn hóa và chiến lược khai thác đúng đắn, cách thức để kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch cũng như các điều kiện phát triển của chính sách du lịch. Edgell và các cộng sự (2019) trong cuốn “Tourism Policy and Planning: Yesterday, Today, and Tomorrow” đưa ra một cách nhìn khác về chính sách phát triển du lịch hiện nay: đó là nhận thức tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực tư nhân trong việc hỗ trợ các chính sách phát triển du lịch mà trước đây chỉ coi là của Nhà nước.

Thứ hai, hướng nghiên cứu thực tiễn chính sách phát triển du lịch đối với một điểm đến, địa phương hay quốc gia cụ thể.

Hajar. S (2022) về “Tourism Development Policy Through Economic Potential in Supporting Tourism and Creative Economy Programs in the Lake Toba Region” đã áp dụng phương pháp định lượng và phân tích SWOT trong xác định những cơ hội và thách thức của du lịch ở vùng hồ Toba. Nghiên cứu của FAO về “Sustainable Tourism Development Policy Framework” đã tập trung làm rõ khung chính sách phát triển du lịch bền vững là một chính sách quốc gia với cách tiếp cận theo ngành cho du lịch ở Quần đảo Cook. Hà Văn Siêu (2012) trong bài "Một số gợi ý về chính sách phát triển du lịch" đã tiếp cận trên cơ sở phân tích bối cảnh và định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn tới, gợi ý một số nhóm chính sách dài hạn, chính sách cấp bách cũng như dữ liệu những tác động của các chính sách đó khi được áp dụng.

Theo Trung và Yến (2019), trong bài viết “Chính sách phát triển ngành du lịch Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” cho thấy sự thành công của Chính phủ Hàn Quốc trong việc theo dõi chặt chẽ, không ngừng đổi mới các chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Du lịch. Một số nghiên cứu có chủ đề về chính sách đối với các ngành sản phẩm du lịch như chính sách với du lịch biển của Giao và Diễn (2006) trong “Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững”. Một số nghiên cứu khác có trọng tâm là chính sách về du lịch của một địa phương như Chinh (2002) đã nghiên cứu“Cơ sở khoa học của việc xác định các điểm, tuyến du lịch Nghệ An”.

Nhìn chung, các nghiên cứu về chính sách du lịch đã bao quát được các chính sách cấp quốc gia, chính sách địa phương, chính sách với điểm đến và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về du lịch. Nhưng khung chính sách phát triển du lịch cấp tỉnh để hướng tới điểm đến cụ thể vẫn còn mờ nhạt trong các nghiên cứu.

3. Kết luận

Qua tổng quan các nghiên cứu cho thấy, các nghiên cứu về du lịch khá đa dạng với nhiều cách tiếp cận khác nhau, mỗi nghiên cứu lựa chọn cơ sở khoa học theo các mục tiêu nghiên cứu mong muốn đạt được. Tuy nhiên, việc hình thành một khung chính sách phát triển du lịch cho chính quyền cấp tỉnh (theo cách tiếp cận cung cầu du lịch, chuyển đổi chính sách trong bối cảnh thay đổi môi trường tự nhiên và công nghệ, hợp tác chính sách giữa các chính quyền địa phương) nhằm phát triển bền vững du lịch của địa phương cả về khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường là thực sự cần thiết. Đây là khoảng trống và cách tiếp cận mà các nghiên cứu có thể lựa chọn, cách tiếp cận này có thể có những khác biệt so với các nghiên cứu khác trước đây về du lịch của một địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thế Chinh (2002). Cơ sở khoa học của việc xác định các điểm, tuyến du lịch Nghệ An, Luận án tiến sĩ khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. Lê Ngọc Dũng (1995). Tổ chức quản lý khai thác các di tích và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam trong cơ chế thị trường. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  3. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2008). Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. Vũ Văn Đông (2014). Phát triển du lịch bền vững Bà Rịa - Vũng Tàu. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
  5. Hoàng Văn Hoan (2002). Hoàn thiện quản lý nhà nước về lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  6. Nguyễn Lan Hương (2013). Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn lực và thực trạng phát triển, Tạp chí Khoa học xã hội 5 (177).
  7. Đỗ Thị Thanh Hoa (2001). Cơ sở khoa học xây dựng hệ thống tiêu chí môi trường cho hoạt động du lịch biển ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  8. Nguyễn Lê Thu Hiền (2014). Làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế. Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  9. Trịnh Quang Hào (2002). Cơ sở khoa học cho các chính sách, giải pháp quản lý khai thác tài nguyên du lịch ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  10. Đỗ Tú Lan (2007). Nghiên cứu sinh thái đô thị du lịch trong quy hoạch xây dựng đô thị ven biển Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc.
  11. Phạm Trung Lương (2002). Cơ sở khoa học phát triển du lịch đảo ven bờ vùng du lịch Bắc Trung Bộ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  12. Nguyễn Thăng Long (1998). Nghiên cứu ảnh hưởng của tính mùa vụ du lịch đến hoạt động du lịch ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.
  13. Trần Thanh Phong (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến du lịch trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  14. Hà Văn Siêu (2011). Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam bước sang thập kỷ tới 2011-2020. Bài báo khoa học, chuyên mục Nghiên cứu và trao đổi, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, tháng 11.
  15. Hà Văn Siêu (2012). Một số gợi ý về chính sách phát triển du lịch. Bài báo khoa học, chuyên mục Nghiên cứu và trao đổi, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, tháng 2.
  16. Hà Văn Siêu, Đào Duy Tuấn (2010). Quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung trong liên kết phát triển vùng. Bài báo khoa học, chuyên mục Nghiên cứu và trao đổi, Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, tháng 11.
  17. Nguyễn Quốc Thắng (2012). Nghiên cứu tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái một số trọng điểm vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Nông nghiệp.
  18. Nguyễn Quyết Thắng (2017). Giải pháp phát triển du lịch bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Kinh tế phát triển, Số 239 (II), tháng 5.
  19. Đỗ Cẩm Thơ (2007). Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  20. Đỗ Quốc Thông (2004). Phát triển du lich Thành phố Hồ Chí Minh với khai thác tài nguyên du lịch vùng phụ cận, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  21. Nguyễn Tấn Vinh (2008). Hoàn thiện quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  22. Nguyễn Vương, Nguyễn Văn Mạnh (2021). Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, số 6, tháng 3. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/danh-gia-su-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-vung-dong-bang-song-cuu-long-80345.htm
  23. Trần Quốc Trung và Huỳnh Hải Yến (2019). Chính sách phát triển ngành Du lịch Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 17, tháng 2.
  24. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2019). Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Truy cập tại http://itdr.org.vn/
  25. Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch (2019). Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Truy cập tại http://itdr.org.vn/.
  26. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội (2020). Luận cứ khoa học về tổ chức không gian, xác lập mô hình và đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững khu vực ven biển và biển đảo Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.
  27. Bhatia, A.K. (2006). Tourism development: Principles and practices. New Delhi: Sterling Publishers Private Limited.
  28. Charles R. Goeldner, J. R. Brent Ritchie (2011). Tourism: Principles, Practices, Philosophies, Willey.
  29. David L. Edgell, Maria DelMastro Allen, Ginger Smith, Jason R. Swanson (2019). Tourism Policy and Planing - Yesterday, Today and Tomorrw, Elsevier.
  30. Gcaze, G.R Lanqua.Y Raynouard, Đào Đình Bắc - biên dịch (2005). Quy hoạch du lịch, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  31. S (2022). Tourism Development Policy Through Economic Potential in Supporting Tourism and Creative Economy Programs in the Lake Toba Region, International Journal of Health, Economics, and Social Sciences, Vol-4, Issue-1, 2022, https://jurnal.unismuhpalu.ac.id/index.php/IJHESS/index.
  32. Paul S. Biederman (2008). Travel and Tourism: An Industry Primer, Pearson/Prentice Hall.
  33. Priscilla, O. & Wariboko, (2015). Tourism Planning and Development, University of Port Harcourt.
  34. Roday, S., Biwal, A. & Joshi, V. (2010). Tourism operations and management. Oxford: University Press.
  35. T (2001). Tourism Policy. https://www.researchgate.net/publication/345808582_TOURISM_POLICY
  36. Var, T & Gunn, C (2003). Tourism Planning, Basics, Concepts, Cases, Routledge.
  37. Velasco, M (2016). Tourism Policy, Springer International Publishing. https://link.springer.com/referenceworkentry/10.1007/978-3-319-31816-5_2674-1.
  38. World Bank (2018). Tourism Theory of Change. The World Bank Group 1818 H Street NW Washington.

An overview on the tourism development policies of provincial authorities in Vietnam

Assoc.Prof.Ph.D Thai Thi Kim Oanh1

Master, Ph.D student Phung Thi Ngoc Thuy2

Master. Nguyen Tien Manh3

1School of Economics, Vinh University

2Hung Vuong Primary School - Ho Chi Minh City

3Thuy Nguyen District Youth Union - Hai Phong City

Abstract:

This study reviews and analyzes research on the tourism development policies of provincial authorities. The study finds that it is necessary to develop a policy framework for tourism development for provincial authorities in accordance with the tourism supply and demand approach, policy transformation in the context of changes in the natural environment and technology, and policy cooperation between local governments in order to develop tourism in provinces sustainably.

Keywords: tourism development, tourism development policy, provincial authorities.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2023]

Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam Tạp chí Công Thương
g-news247