Nội dung này được PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Pasteur TP HCM, chia sẻ tại Triển lãm ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học Louis Pasteur nhân dịp 200 năm ngày sinh, do viện phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM tổ chức, chiều 12/9.
Khi ấy, bác sĩ Albert Calmette - một trong những học trò xuất sắc của Louis Pasteur - được giao nhiệm vụ thành lập và điều hành Viện Pasteur Sài Gòn. Một học trò khác của Louis Pasteur là bác sĩ Alexandre Yersin, người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang năm 1895.
Đến nay, "mạng lưới Pasteur" có 33 thành viên, tại 5 châu lục. Các viện này phục vụ cho đất nước sở tại, đồng thời tham gia giám sát toàn cầu các bệnh truyền nhiễm và hợp tác trong nhiều chương trình nghiên cứu. Các thành viên hướng đến một mục tiêu chung, đó là đưa khoa học phục vụ, cải thiện sức khỏe mọi người ở mọi nơi trên thế giới.
Theo nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong hệ thống 33 Viện Pasteur thế giới, Việt Nam là quốc gia duy nhất có 3 Viện Pasteur, gồm Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (thành lập 1945). Viện Pasteur Paris đã giúp Viện Pasteur TP HCM xây dựng và thành lập phòng xét nghiệm HIV, phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều cơ sở khác.
Ngày nay, các viện Pasteur tại Việt Nam phát triển thành các cơ sở dự phòng đầu ngành của khu vực, đi đầu trong hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để phòng chống bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, các viện bắt kịp trình độ quốc tế về chẩn đoán, nghiên cứu vi sinh, miễn dịch, sinh học phân tử và nghiên cứu phát triển sản xuất vaccine phòng bệnh, góp phần thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế cúm A/H5N1, phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid...
Louis Pasteur sinh năm 1822 tại Pháp, được mệnh danh "cha đẻ của ngành vi sinh vật học", là một trong nhà khoa học vĩ đại nhất với nhiều đóng góp lớn cho nhân loại. Thuở nhỏ, ông đam mê hội họa song dần nhận ra khát vọng khác của bản thân, đó là khoa học.
"Với khoa học, người ta vượt lên trên những người khác", Pasteur nói.
Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vật lí và hóa học ở tuổi 25, gây chú ý với những khám phá đầu tiên về tinh thể học. Sau đó, Pasteur chứng minh thực phẩm hỏng do nhiễm vi khuẩn trong không khí, vi khuẩn này có thể gây bệnh, giải được một trong những bí ẩn lớn nhất ngành sinh học thế kỷ 19.
Tiếng tăm của Louis Pasteur ngày càng lan xa khi Hoàng đế Napoleon III giao ông xử lý vấn đề rượu vang của Pháp, vốn nổi tiếng khắp châu Âu, nhưng hay bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Pasteur giải thích sự biến chất của rượu vang là do hiện diện của mầm bệnh, nếu làm nóng rượu vài phút ở 55-60 độ C, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt mà không phá hỏng mùi vị rượu.
Ngày nay, quá trình này được gọi là tiệt trùng, ứng dụng bảo quản nhiều thực phẩm, đồ uống. Những khám phá của ông về quá trình lên men rượu vang, bia và giấm đã tạo ra cuộc cách mạng trong công nghiệp thực phẩm. Ông cũng góp phần cứu nghề trồng dâu nuôi tằm Pháp nhờ phát hiện tằm bị bệnh do ký sinh trùng.
Bi kịch gia đình ập tới với nhà khoa học khi ba cô con gái không qua khỏi vì thương hàn, ung thư, bố ông cũng qua đời, trong vòng 7 năm. Bản thân ông bị tai biến mạch máu não, giữ được tính mạng nhưng bị liệt nửa người, ở tuổi 46. Những biến cố này trở thành động lực để ông bắt đầu cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm, với những nghiên cứu giúp nhân loại hiểu rõ hơn về nguồn gốc và cách lây truyền của bệnh, từ đó phát triển các phương pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Ông có nhiều phát hiện về vi khuẩn và mầm bệnh, vệ sinh và vô trùng, chứng minh rằng mỗi loại bệnh truyền nhiễm là do một loại vi khuẩn.
Sau khi điều chế thành công vaccine phòng dịch tả gà và bệnh than ở gia súc, ông dồn tâm sức tìm hiểu bệnh dại ở người - căn bệnh với các triệu chứng khủng khiếp - dẫn đến cái chết đau đớn kéo dài. Cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên trên người vào ngày 6/7/1885 ở cậu bé Joseph Meister, bị chó dại cắn, đã tạo nên bước ngoặt lịch sử, giúp ông trở thành "ân nhân của loài người", mở đường cho sự phát triển của ngành vaccine học.
Từ thành công của vaccine phòng bệnh dại, mọi người khắp nơi trên thế giới đến tiêm phòng, Louis Pasteur cho rằng cần lập một cơ sở tiêm vaccine chống bệnh dại. Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã mời các nước quyên góp để thành lập viện mang tên Pasteur vào năm 1887, mở rộng sang các vùng thuộc địa khác.
Ông điều hành Viện Pasteur Paris cho đến khi qua đời vào ngày 28/9/1895 ở tuổi 73. Chính phủ ban bố quốc tang và ông được chôn cất tại Viện Pasteur theo nguyện vọng gia đình.
Lê Phương