Vitamin K có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, ngăn ngừa chảy máu. Có hai dạng là vitamin K1 (phylloquinone) có trong thực vật, vitamin K2 (menaquinone) trong thực phẩm nguồn gốc động vật.
Thiếu vitamin K ít gặp ở người lớn hơn trẻ em vì thực phẩm hàng ngày có thể cung cấp đủ lượng vitamin K1 và cơ thể cũng tự tạo ra K2. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể cản trở quá trình hấp thụ, tạo ra vitamin K. Dưới đây là một số dấu hiệu thiếu vitamin K.
Chảy máu quá nhiều
Nếu thiếu vitamin K1 và K2, cơ thể không sản xuất đủ lượng protein, làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều. Các triệu chứng bao gồm khó cầm máu khi bị thương, xuất hiện cục máu đông nhỏ dưới móng tay, phân có màu đen sẫm, giống hắc ín hoặc máu. Chảy máu não đột ngột là triệu chứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng.
Chảy máu do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể ở khu vực đã cắt dây rốn, da, mũi, đường tiêu hóa, vị trí cắt bao quy đầu ở bé trai hoặc các khu vực khác.
Dễ bầm tím
Da của người thiếu vitamin K dễ bầm tím. Đây là tình trạng máu chảy dưới da hoặc đôi khi chỉ một vết sưng nhỏ sau đó trở thành vết bầm lớn, lâu lành.
Kinh nguyệt ra nhiều
Kinh nguyệt nhiều kèm theo đau đớn cảnh báo lượng vitamin K trong cơ thể thấp. Tình trạng này kéo dài hơn 7 ngày được gọi là rong kinh. Phụ nữ nên đi khám sức khỏe phụ khoa để khắc phục kịp thời.
Sức khỏe xương kém
Vitamin K giúp duy trì sức khỏe và phát triển xương. Người thiếu hụt có nguy cơ cao gãy xương, đau khớp. Bổ sung kết hợp vitamin D3 và K2 hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho trẻ và vận chuyển canxi đến xương, tăng chiều cao.
Tim yếu đi
Vitamin K thúc đẩy chức năng tim mạch, ngăn canxi lắng đọng tạo thành mảng bám trong động mạch. Cơ thể thiếu vitamin này dễ dẫn đến vôi hóa động mạch, ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim.
Viện Y khoa Mỹ khuyến nghị nam giới nên bổ sung 120 mcg, phụ nữ là 90 mcg vitamin K mỗi ngày. Trẻ mới sinh thường được tiêm liều vitamin K duy nhất để tránh thiếu hụt, ảnh hưởng sức khỏe.
Chế độ ăn uống cân bằng gồm thực phẩm giàu vitamin K giúp cung cấp đủ cho cơ thể. Thực phẩm nên chọn như các loại rau lá xanh (rau bina, cải xoăn, rau diếp, bông cải xanh), dầu thực vật; trái cây như việt quất, sung, thịt, phô mai, trứng, đậu xanh, đậu nành... Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin K vì có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Medical News Today, The Healthy)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp