Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Dấu hiệu tổn thương cột sống

Thứ bảy, 09/09/2023 | 20:32
[G-News24/7] -

Chấn thương cột sống là tình trạng tủy sống hoặc xương, mô mềm, các mạch máu, các dây thần kinh bị tổn thương. Tai nạn giao thông, lao động và sinh hoạt hoặc chấn thương thể thao... là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này. Tổn thương tủy sống hoặc đốt sống càng nghiêm trọng, mức độ chấn thương càng nặng.

ThS.BS Tạ Ngọc Hà, khoa Ngoại cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tổn thương cột sống có biểu hiện đặc trưng là đau tại vùng chấn thương, tê liệt hoặc suy yếu tạm thời khả năng vận động của cơ thể. Ngoài ra, dấu hiệu tổn thương cột sống khác nhau tùy thuộc loại chấn thương, vị trí chấn thương và mức độ nghiêm trọng.

woman-feeling-exhausted-suffer-5843-8965-1694162912.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v3TKETCIVZEYo6PQU6N4QA

Tổn thương cột sống cổ có thể gây đau cứng vùng cổ. Ảnh: Freepik

Chấn thương xảy ra ở cột sống cổ gây ra các triệu chứng liên quan đến hô hấp; tê, liệt phần lớn cơ thể, suy yếu hoặc tạm thời không thể cử động tay chân. Người bệnh còn cảm thấy co cứng vùng bị chấn thương, đau nặng vùng cổ, lưng trên, khó thở, mất kiểm soát bàng quang và ruột.

Chấn thương cột sống thắt lưng nặng có thể khiến người bệnh bị tê liệt phần thân dưới với các biểu hiện như đau lưng dưới và vùng chịu tổn thương, tê bì, rối loạn cảm giác hoặc yếu liệt hai chi dưới. Chấn thương này có thể gây ra hội chứng đuôi ngựa, làm cho người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ.

Theo bác sĩ Hà, tổn thương cột sống cần được điều trị ngay lập tức. Mục tiêu là nắn chỉnh, tái tạo và giữ vững sự ổn định của cột sống, hạn chế tối đa mất chức năng thần kinh của các mô chưa tổn thương, giúp các mô tổn thương phục hồi, nhanh chóng khôi phục chức năng vận động của người bệnh.

Trong 8 giờ đầu tiên sau chấn thương, người bệnh dùng một số loại thuốc giảm đau hoặc chống phù tủy. Trong trường hợp bệnh nhân yếu liệt, bác sĩ điều trị bằng thuốc kết hợp tập vật lý trị liệu và các biện pháp chống loét.

Vật lý trị liệu được áp dụng đồng thời trong mọi phác đồ điều trị. Phương pháp này giúp người bệnh dần lấy lại khả năng chuyển động tứ chi, tăng cường cơ bắp, hạn chế teo cơ trong quá trình nằm viện.

t-1-2176-1694158560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tl7T4iOLRYe3JkppI-8mnw

Bác sĩ Hà trong một ca phẫu thuật điều trị bệnh cột sống. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trường hợp tổn thương được chỉ định phẫu thuật thường là mất vững cột sống, chèn ép tủy, máu tụ, có mảnh xương vỡ, cần loại bỏ các dị vật bên trong cột sống... Phương pháp này giúp giải ép thần kinh, thiết lập lại sự cân bằng và độ vững của cột sống, phục hồi chức năng thần kinh, cố định vị trí tổn thương.

Theo bác sĩ Hà, chấn thương cột sống là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc cơ thể. Người bệnh có nguy cơ cao biến chứng như liệt, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác gây ra các thương tật thứ phát, rối loạn thần kinh thực vật, gặp vấn đề về hô hấp, tăng tiết mồ hôi, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn đại tiểu tiện, viêm tắc tĩnh mạch... Người bệnh dù bị chấn thương cột sống ở mức độ nào cũng cần đến bác sĩ khám và điều trị.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247