Thứ hai, 05 tháng 05 năm 2025

24 0C

Hà Nội

Đau lưng

Thứ hai, 18/09/2023 | 02:17
[G-News24/7] -

Theo ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đau lưng cấp tính là cơn đau bắt đầu đột ngột, có thể kéo dài tới 6 tuần. Trong khi đó, đau lưng mạn tính kéo dài trong hơn ba tháng.

Tình trạng này có thể xuất phát từ các vấn đề ở hệ thống cơ xương khớp, dây thần kinh, những bộ phận cấu thành cột sống; hoặc do ảnh hưởng từ các cấu trúc khác như động mạch chủ, tuyến tụy, túi mật, thận. Căng cơ, chấn thương, tổn thương đĩa đệm, gãy xương, gai cột sống, viêm khớp, thoái hóa cột sống... là những nguyên nhân thường gặp gây đau lưng.

Thông thường, cơn đau tự biến mất sau khi được chăm sóc tại nhà đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh cần đến bác sĩ nếu đau trở nên nghiêm trọng hơn hoặc không giảm sau hai tuần tự điều trị. Người trên 50 tuổi, dưới 20 tuổi, người từng bị ung thư; đau sau một chấn thương nặng; đau lưng kèm sốt và ớn lạnh cũng nên đi khám. Cơn đau trở nặng vào ban đêm hoặc lan xuống vùng bụng dưới; dai dẳng kèm cảm giác tê và yếu liệt chân; bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ... cần lưu ý.

this-bed-is-comfortable-as-i-t-6719-1891-1694832737.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lzCX7nXxtqZYvLkMuOaXnA

Triệu chứng chính của đau lưng là cảm giác đau nhức, khó chịu khi hoạt động bất kỳ vị trí nào trên lưng. Ảnh: Freepik

Bác sĩ Vân cho biết tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của cơn đau sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.

Sử dụng thuốc: Thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc giảm đau tại chỗ, thuốc giãn cơ, thuốc có chứa opioid, thuốc chống trầm cảm...

Vật lý trị liệu: Phương pháp này có tác dụng tăng tính linh hoạt của cơ lưng và cơ bụng; cải thiện tư thế trong sinh hoạt hàng ngày, tránh khởi phát cơn đau khi người bệnh hoạt động. Kiên trì tập luyện thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa cơn đau tái phát. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chiếu laser, từ trường siêu dẫn... nhằm tăng lượng máu nuôi đến các cơ, giảm đau, giảm phù nề và chèn ép thần kinh.

Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, đau lưng là dấu hiệu của chấn thương gãy xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng hoặc khi phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp phẫu thuật.

Cải thiện thói quen sinh hoạt: Nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên ở cường độ phù hợp, ăn uống đa dạng, bổ sung đủ canxi và vitamin D, duy trì cân nặng lành mạnh, cẩn trọng khi nâng vác vật nặng, sinh hoạt đúng tư thế...

dsc07240-jpg-1694831438-2734-1694831477.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gwz-TJJskpDb3GR9G837og

Bác sĩ Vân tư vấn tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Đau lưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động trong cuộc sống của người bệnh, khó đi lại, giới hạn khi thực hiện các công việc tay chân. Các cơn đau thắt lưng vào ban đêm thường gây khó ngủ, về lâu dài, có thể dẫn đến mất tập trung, giảm sút trí nhớ. Người bệnh còn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn, giảm đáng kể chất lượng đời sống tình dục.

Nếu không được điều trị kịp thời, đau lưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hoặc mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động. Trường hợp nặng hơn có thể chèn ép hệ thần kinh, rối loạn đại tiểu tiện. Những biến chứng này có thể làm cho thời gian, chi phí điều trị đều tăng cao, trở thành gánh nặng cho người bệnh và gia đình. Bác sĩ Vân khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan với đau lưng, lưu ý dấu hiệu cảnh báo và sớm đi khám.

Phi Hồng

g-news247