Theo khảo sát, có 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 23. Đến nay, mới có 401/1.174 cơ sở (34,2%) đã tổ chức thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết 23. Vẫn còn 773 cơ sở chưa thực hiện theo yêu cầu; trong đó, 194 chung cư, cư xá là nhà chung cư cũ, thấp tầng.
UBND TPHCM nhận xét sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung đã được phân công, dẫn đến chậm trễ tiến độ, hiệu quả thực hiện chưa cao.
Ngoài ra, cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra khảo sát, đánh giá, phân loại, tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu cho UBND các quận, huyện là công an các địa phương chưa thực sự trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát.
Để giải quyết dứt điểm đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với những công trình nói trên, UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn chủ động khảo sát, hướng dẫn, đề xuất phương án thực hiện phù hợp đối với các cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, khảo sát, đánh giá cụ thể các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC đối với những cơ sở không có khả năng khắc phục; tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chuyển đổi công năng phù hợp, tự nguyện di dời, bắt buộc phải di dời theo quy định.
Riêng các chung cư quá thời gian sử dụng đã có kế hoạch giải tỏa, xây mới, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện. Tránh tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài không đảm bảo các điều kiện an toàn nói chung và điều kiện PCCC nói riêng.
NGÔ BÌNH