Mạo danh nhân viên ngân hàng
Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) vừa cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng. Trước đó, các ngân hàng cũng đã tiếp tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng và phần mềm giả mạo để chiếm đoạt thông tin người dùng.
Theo đó, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách hàng và mời chào sử dụng các dịch vụ thẻ (như mời rút tiền từ thẻ tín dụng; hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm...) nhưng thực chất là lừa đảo. Kẻ gian còn mạo danh nhân viên ngân hàng mời khách hàng mở thẻ tín dụng giả, mở thêm thẻ phụ hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, nâng tỷ lệ hoàn tiền… Nhóm này lên kịch bản khá tinh vi nên người dân dễ dàng sập bẫy.
Ngân hàng Vietcombank cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua ứng dụng giả mạo
Cụ thể, các đối tượng tạo bài đăng trên mạng xã hội có nội dung hỗ trợ nâng cấp hạn mức thẻ tín dụng, vay không hạn mức với thủ tục nhanh chóng, duyệt hồ sơ siêu tốc, phê duyệt tự động, giải ngân trong ngày... Người dân tin tưởng nội dung bài đăng và liên hệ với các đối tượng. Các đối tượng cũng có thể mua bán dữ liệu người dân, bao gồm thông tin cá nhân, hạn mức thẻ tín dụng… để xác định các nạn nhân tiềm năng. Sau đó, đối tượng gọi, nhắn tin cho khách và tự xưng là nhân viên ngân hàng, tổ chức tài chính để gửi thông tin hỗ trợ, mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng. Tiếp đó, đối tượng gửi đường link liên kết tới website giả mạo, lừa đảo.
Trong một số trường hợp, đối tượng sử dụng các đường link rút gọn, hoặc cung cấp mã QR để nạn nhân quét. Khi nạn nhân truy cập vào trang web giả mạo, website sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, như: họ tên, CCCD, chụp ảnh CCCD, số thẻ... giống như website chính thống của ngân hàng. Nạn nhân cũng được yêu cầu cung cấp mã OTP được gửi về số điện thoại. Khi có thông tin tín dụng của nạn nhân, đối tượng sẽ dùng thông tin thẻ để thanh toán các giao dịch trực tuyến, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, đối tượng còn sử dụng ứng dụng Android giả mạo phần mềm thuộc lĩnh vực dịch vụ hành chính công tại Việt Nam để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng. Ứng dụng giả mạo sẽ yêu cầu cấp quyền “Trợ năng” (Accessibility), nếu nạn nhân bấm “Cho phép”, ứng dụng sẽ đánh cắp thông tin trên điện thoại. Đặc biệt, ứng dụng này sẽ rà soát điện thoại của nạn nhân để tìm kiếm ứng dụng ngân hàng và các thông tin nhạy cảm, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, SMS... gửi về cho kẻ gian.
Nâng cao cảnh giác
Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của mình. Người dân có nhu cầu vay tiền, mở thẻ tín dụng cần liên hệ trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục. Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay, mở thẻ tín dụng bằng cách: kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến đường dây nóng, chăm sóc khách hàng...
Một số ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua ứng dụng giả mạo
Ngân hàng Agribank cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua ứng dụng giả mạo
Ngoài ra, nên tư vấn ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục trên; không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (CMND/CCCD, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…) khi chưa xác minh website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Đặc biệt, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân do đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ; cần báo công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên.
Nhiều người bị cuốn vào cạm bẫy của đối tượng lừa đảo nên không nghĩ đến việc kiểm chứng thông tin đe dọa. Người dân lưu ý, công an không mời hay triệu tập người dân làm việc qua điện thoại, không nhắn tin yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản để kiểm tra; cần cảnh giác với các đầu số điện thoại lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ; nếu nhận cuộc gọi người xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án... thì báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào từng thời gian, thời điểm như các loại tội phạm: mạo danh nhân viên bưu điện, cán bộ công an, kiểm sát, tòa án hù dọa; rủ người dân đầu tư sàn ngoại hối, tiền ảo; đề nghị nâng cấp SIM điện thoại... Phần lớn nạn nhân là người già, phụ nữ, người nước ngoài về Việt Nam sinh sống, người ít hiểu biết pháp luật nên khi nghe, xem video đầu bên kia là người đại diện pháp luật thì sợ.
CHÍ THẠCH