Thứ năm, 21 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Đề xuất nới phạm vi chi trả bảo hiểm y tế với thuốc hiếm, thêm cơ hội cho những bệnh nhân đặc biệt

Thứ ba, 26/09/2023 | 08:09
[G-News24/7] -

Tại hội thảo Xin ý kiến nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (bảo hiểm y tế) đối với một số nhóm thuốc đặc thù (thuốc hiếm, thuốc phối hợp…) do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, ThS. Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, thuốc là cấu phần quan trọng và chiếm tỷ trọng chi lớn nhất trong tổng chi khám chữa bệnh cũng như thanh toán bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trung bình giai đoạn 2022 - 2023 bảo hiểm y tế chi khoảng 105.000 - 110.000 tỷ mỗi năm, với 150 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, thuốc chiếm 34% trong cơ cấu chi, sau đó là vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, tiền giường, ngày công, …

Theo đánh giá của Ths. Trần Thị Trang, quyền lợi chi trả bảo hiểm y tế của Việt Nam khá rộng. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, có 94 người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả trên 1 tỷ đồng/năm. Trường hợp được quỹ bảo hiểm y tế chi trả ở mức cao nhất (mắc rối loạn chuyển hóa carbohydrate) là gần 4,7 tỷ đồng.

thuốc hiếm
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới mang thuốc hiếm đến TP. Hồ Chí Minh để điều trị ngộ độc botulinum

Hiện nay, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam có tổng số 1.037 hoạt chất và dạng phối hợp. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại các nước này chỉ khoảng 600 - 700 thuốc.

Trong khi đó, mức đóng trung bình của 01 thẻ bảo hiểm y tế tại Việt Nam chỉ khoảng gần 1 triệu đồng, thấp hơn so với các quốc gia nêu trên.

“Việt Nam là quốc gia có danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế tương đối đầy đủ”, Ths. Trần Thị Trang cho biết. Song, hiện đã có thêm nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa được cập nhật vào danh mục này.

Đáng chú ý, nhóm thuốc hiếm có tính chất đặc biệt và cho nhóm bệnh nhân đặc biệt nhận được sự quan tâm lớn. Thuốc hiếm phục vụ điều trị những bệnh hiếm do đó tần suất sử dụng ít, thậm chí rất ít.

Có những loại thuốc hiếm đắt đỏ, bệnh nhân khó tiếp cận do chi phí lớn. Tuy nhiên cũng có những loại thuốc hiếm giá không cao nhưng do ít được sử dụng, lợi nhuận thấp nên các đơn vị, doanh nghiệp thường không mua bán, sản xuất, dự trữ.

thuốc hiếm

Thuốc điều trị ngộ độc botulinum có giá 8.000 USD được bảo quản kỹ lưỡng trong nhiệt độ âm sâu

Theo TS. Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách y tế, cần xây dựng chính sách thuốc hiếm nhằm tăng tiếp cận thuốc hiếm. Tiêu chí phê duyệt thuốc hiếm trong chương trình thanh toán của chính phủ hoặc bảo hiểm y tế cũng cần đặc biệt hơn so với thuốc thông thường.

Cụ thể, tiêu chí đạt ngưỡng chi phí - hiệu quả không nên xem là tiêu chí bắt buộc mà chỉ coi là một trong các tiêu chí xem xét. Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng thí điểm cơ chế, sáng kiến tài chính mới để mở ra cơ hội tăng cường tiếp cận thuốc hiếm, chi phí cao.

Nhằm rà soát và lựa chọn danh mục thuốc an toàn, hiệu quả và kinh tế, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các tiểu ban tư vấn chuyên môn để rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT.

Bộ Y tế hiện đang nghiên cứu đề xuất đa dạng nguồn kinh phí bảo hiểm y tế, kể cả xã hội, nhằm cố gắng mở rộng tối đa quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, bổ sung thêm các phương pháp thanh toán.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng xây dựng dự thảo tiêu chí bổ sung thuốc mới vào danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, căn cứ danh mục nào để phân loại nhóm thuốc giải độc, cấp cứu, thuốc hiếm; căn cứ chỉ định thuốc; có yêu cầu đánh giá chi phí - hiệu quả hay không là những nội dung cần được cân nhắc.

"Việc bổ sung các thuốc mới cần theo hướng khả thi nhất. Vì mới nên chúng ta phải đi từng bước, cái gì chắc chắn khả thi có thể làm từng bước", ThS. Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Hiện nay có khoảng 7.000 bệnh hiếm với số lượng bệnh nhân ước tính khoảng 300 triệu người. Con số này chiếm 4% dân số thế giới, trong đó có 50% là trẻ em.

Trên thế giới có 92/200 quốc gia có chính sách tăng cường tiếp cận thuốc hiếm, trong đó 78% là các nước châu Âu.

Không mang thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám vẫn được hưởng quyền lợi Ngọc Châm
g-news247