Những khó khăn đối với doanh nghiệp dẫn đến tình trạng - nói như TS Trần Đình Thiên là “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chịu đựng, sống dai, chậm lớn” - là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bình luận trong khuôn khổ chuyên đề thứ 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 19-9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Trình bày tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã chứng tỏ được “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các cơn gió ngược” rất ấn tượng. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nhiều nghịch lý.
“Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng lãi suất cao”, PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển...
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần đến 3 thông, PGS-TS Trần Đình Thiên khái quát. Đó là cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc - nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124.700 doanh nghiệp.
“Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động”, ông Tuấn nhận định.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu
Đề cập một số rào cản, khó khăn mang tính phổ biến, ông Tuấn nhìn nhận, chất lượng cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua. Việt Nam đứng thứ 77 thế giới về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện. Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.
Ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng là sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký VCCI dẫn chứng.
Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật… là những điểm trừ khác của môi trường kinh doanh.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và chưa được hỗ trợ hiệu quả. Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới. Theo ông Đậu Anh Tuấn, các cơ quan Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để nhiều quy định quản lý dịch vụ trên mạng trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này, khiến cho các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để TPHCM triển khai trung tâm tài chính. Ảnh: QUANG PHÚC
Tranh biện với TS Trần Đình Thiên về nhận định “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chịu đựng, sống dai, chậm lớn”, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ, không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn”.
Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, trừ một số doanh nghiệp làm liều, sử dụng thuốc “tăng trọng”, còn rất nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc vẫn còn bị vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra nhiều đề xuất về chính sách thuế, lãi suất… và cho rằng cần có những nhóm giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp khác nhau trên cơ sở đánh giá của cơ quan độc lập. Như vậy, các giải pháp hỗ trợ sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề 1
Cụ thể, về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, bà Thủy Tiên đề nghị xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố, cho phép áp dụng chính sách “duo price” (chính sách 2 giá) đối với hàng hóa miễn thuế.
Đáng lưu ý, theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, việc thành lập trung tâm tài chính ở Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích về thu hút vốn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan… Nữ doanh nhân đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để TPHCM triển khai trung tâm tài chính.
ANH PHƯƠNG