Thứ năm, 21 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Đề xuất thí điểm hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao

Thứ bảy, 09/09/2023 | 13:23
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Việc thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư sẽ được áp dụng đối với bốn nhóm doanh nghiệp.

  • Bà Rịa-Vũng Tàu: ưu tiên công nghệ cao trong xử lý chất thải rắn
  • Nông nghiệp công nghệ cao lao đao vì ‘hạn hán’ nguồn vốn
Một nhà máy của Nhật trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

TTXVN đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng tờ trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về hồ sơ xây dựng nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội ban hành thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với bốn nhóm doanh nghiệp.

Các nhóm doanh nghiệp này bao gồm doanh nghiệp có dự án đầu tư quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng.

Dự thảo nghị quyết đề xuất bốn hình thức hỗ trợ đầu tư, bao gồm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

Lý do đề xuất theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là để phù hợp với các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng; đồng thời, đây là các hình thức hỗ trợ đầu tư mà các quốc gia trong khu vực đang áp dụng, trong khi đó tại Việt Nam chưa được cụ thể tại các văn bản pháp luật.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đã được quy định tại pháp luật công nghệ cao. Vì vậy cần chính sách thí điểm và chọn lọc để tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, tránh ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam.

Cũng theo dự thảo, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua văn bản của Quốc hội (Nghị quyết) về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10-2023) để triển khai từ ngày 1-1-2024.

g-news247