(KTSG Online) – “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” Vĩnh Long đã chính thức được khai mạc vào sáng nay, 11-9. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Festival nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023”.
- Festival nông sản Việt diễn ra ở Vĩnh Long vào giữa tháng 9
Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long được thực hiện trên tuyến đường nối Võ Văn Kiệt- Phạm Hùng, thuộc phường 9, thành phố Vĩnh Long với diện tích hơn 500 m2.
Theo đó, con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long được thiết kế bao gồm cổng, lò gạch, tiểu cảnh, 10 tác phẩm gốm, ngôi nhà gốm đỏ 3 gian 2 chái. Trong đó, cổng gốm được thiết kế với chiều cao 5,5 mét, chiều rộng 2,5 mét, được mô phỏng từ lò gạch.
Theo Ban tổ chức, để xây dựng lò gạch với quy mô rộng 5 mét và cao 3,2 mét, các nghệ nhân đã sử dụng 20.000 viên gạch tiểu và 500 viên gạch mái chèo của 16 đơn vị sản xuất gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đây là hình ảnh nhằm để gợi nhớ đến làng nghề gốm từng được mệnh danh là “vương quốc gạch gốm” (phát triển thịnh vượng nhất trong giai đoạn những năm 1999- 2008- PV).
Đối với tiểu cảnh trên con đường nghệ thuật gốm đỏ, sử dụng trên 2.500 đơn vị sản phẩm gốm đỏ huy động từ 16 đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Về mô hình ngôi nhà gốm đỏ có kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống được thực hiện trên diện tích ngang 27 mét, dài 4,5 mét và cao 3 mét. Ngôi nhà gốm đỏ được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người dân Nam bộ, được mô phỏng từ ngôi nhà có thật của ông Nguyễn Văn Buôl (ngụ tại thành phố Vĩnh Long)- một nghệ nhân có quyết tâm vực dậy làng nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ bị mai một.
Đối với 10 tác phẩm bình gốm (cao 2,34 mét, rộng 0,81 mét) thể hiện hình ảnh các di tích lịch sử và đặc sản cây ăn trái của vùng đất Vĩnh Long như: Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Miếu bà Thiên Hậu, Miếu công thần, chùa Tiên Châu, khu tưởng niệm các nhà lãnh đạo có công với đất nước, Cầu Mỹ Thuận và cam sành Tam Bình.
Phát biểu tại lễ khai mạc con đường nghệ thuật gốm đỏ, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong những năm 1980, địa phương có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít, hoạt động quanh năm để cung cấp gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu đi khắp nơi nhằm xây dựng các công trình.
Đặc biệt, sản phẩm gốm của địa phương còn được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới như: EU (Liên minh châu Âu), Mỹ, Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản….
Tuy nhiên, theo bà Thanh, từ năm 2010 trở lại đây, khi đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường…, đã khiến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đầu ra sản phẩm có giá bán thấp, khiến các cơ sở gạch gốm gặp nhiều khó khăn, thu hẹp quy mô.
Cụ thể, hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỉ đồng mỗi năm.
Chính vì vậy, việc tổ chức sự kiện nêu trên nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch gốm truyền thống hiện có, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Được biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch gốm.
Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 hec ta thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh của huyện Mang Thít được bảo tồn lò gạch gốm và hiện đã có 364 hộ dân cam kết giữ lại 653 lò.
Dưới đây là một số hình ảnh tại con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long do phóng viên KTSG Online ghi lại vào sáng nay, 11-9.