Thứ tư, 27 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Dịch vụ 'test người yêu'

Thứ ba, 12/09/2023 | 10:48
[G-News24/7] -

Cô gái 20 tuổi ở Hà Nội quen bạn trai hồi tháng 9/2021 khi là sinh viên năm nhất. Yêu nhau hơn một năm, bạn trai ra trường vào TP HCM làm việc. Từ ngày yêu xa, cô gái luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng vì thấy anh ít gọi điện, nhắn tin cũng rất lâu mới trả lời. Để giải tỏa tâm lý, cuối tháng 8, Trang quyết định chi 300.000 đồng thuê người "test lòng chung thủy" của bạn trai.

Trang cho biết người yêu cô làm IT, tính hướng nội, ngại giao tiếp nên gần như không bao giờ chủ động làm quen hay nói chuyện với người lạ khác giới. Với một số thông tin cơ bản như tuổi, sở thích của bạn trai do Trang cung cấp, người test nhập vai một cô sinh viên cùng ngành, kết bạn Facebook nhờ giúp đỡ.

"Biết là tài khoản tương tác chỉ là giả, tôi vẫn thấy ghen và thất vọng khi anh ấy đồng ý kết bạn và chủ động bắt chuyện hỏi han người đó sau một tuần tìm hiểu", Trang nói. Qua những lần trò chuyện, chàng trai nói mình chưa có bạn gái và thậm chí đã nhận lời đi chơi với "cô sinh viên".

Trang chụp màn hình, gửi cho bạn trai toàn bộ tin nhắn với cô gái lạ và tuyên bố chia tay dù cho anh ấy van xin, níu kéo.

Thu-trang-6523-1694452198.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CZ82wdZwexZ_fnnLPVrpzw

Thu Trang đang tham khảo nơi "test người yêu uy tín" trên mạng, tháng 8/2023. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ đầu năm 2023, dịch vụ thử lòng người yêu, vợ (chồng) xuất hiện trên một số nền tảng mạng xã hội. Trên Tiktok, từ khóa "thử lòng người yêu" có gần 100 triệu lượt xem. Trên Facebook, chỉ sau hai tháng ra đời nhóm "Test người yêu" quy tụ gần 500 thành viên. Mỗi ngày nhóm có khoảng hơn 10 bài đăng của cả người làm dịch vụ và người có nhu cầu thuê.

Tính từ tháng 7/2023, trên mạng xã hội xuất hiện hàng trăm tài khoản quảng cáo dịch vụ "test người yêu", hơn một nửa nhận làm miễn phí. Ngoài việc thử độ chung thủy, nhiều tài khoản còn nhận nhắn tin "thả thính" (tán tỉnh) hay phá hoại hạnh phúc của người yêu cũ.

Phạm Minh Ngọc, 23 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội là một "tester" (người làm dịch vụ thử lòng) cho biết khách hàng chỉ cần cung cấp số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội, cô sẽ chủ động tìm hiểu và nhắn tin cho người cần thử. Người được cho là mắc bẫy nếu như nói bản thân chưa có người yêu, đồng ý đi chơi, gặp mặt hay tán tỉnh ngược lại.

Để phục vụ công việc, Ngọc có nhiều tài khoản mạng xã hội, tất cả đều giống như thật, tức là có vài nghìn lượt theo dõi, có bình luận của bạn bè và hoạt động hàng ngày. "Tất nhiên mọi thứ đều do tôi làm giả", Ngọc nói.

Tùy vào tính cách, sở thích hay nghề nghiệp của người cần test, cô sẽ chọn tài khoản phù hợp. Ví dụ với người chững chạc, trưởng thành, thích con gái nhẹ nhàng, cô có tài khoản giả là một cô gái vừa ra trường, mới đi làm và nhắn tin làm quen, thể hiện mình là người đúng "gu" của họ. Với các khách hàng trẻ, cô cũng có tài khoản kiểu Gen Z và biết cách bắt chuyện theo kiểu trẻ trung.

"Có những người đa nghi, khá đề phòng hoặc khó gần tôi phải mất vài tháng để tiếp cận, nếu lần đầu không thành công thì tôi sẽ tiếp tục để thử đến khi họ dính bẫy hoặc hết thời gian thử", Ngọc cho biết.

Mỗi ngày cô nhận được khoảng hơn 100 yêu cầu thuê, khách hàng chủ yếu thuộc nhóm tuổi 16-25 tuổi. Lý do cần test cũng rất đa dạng. Mỗi lần test, Ngọc thu phí 200.000 đồng, dù có thành công hay không, người thuê đều phải thanh toán trước và đợi đến lượt.

"Tester" Mạnh Hùng (27 tuổi) thu phí 500.000 đồng một lần bởi anh có thể giao tiếp và thử cả những người nước ngoài bằng tiếng Anh và tiếng Hàn. Anh cũng cho biết vì cùng giới nên rất tự tin trong khoản "thả thính" phái nam. "Test 30 trường hợp thì có 26 trường hợp phản bội. Nhiều ngày tôi quá mệt mỏi, phải ngắt kết nối để nghỉ bởi chứng kiến nhiều sự tiêu cực trong thời gian dài", Hùng nói.

Không chỉ những bạn trẻ đang yêu nhau mà các cặp vợ chồng cũng tìm đến dịch vụ này để kiểm chứng tình yêu của đối phương. Thanh Thảo (24 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP HCM) kết hôn được một năm. Cô cho biết rất lo chồng ngoại tình vì bản thân đang mang thai, không thân mật với chồng đã hơn 5 tháng. Dù mối quan hệ cả hai vẫn êm đẹp, không có biểu hiện gì đáng nghi nhưng Thảo vẫn muốn thử vì tò mò.

Chồng Thảo đã vượt qua bài test, không bị "cô gái lạ" cám dỗ và thậm chí phát hiện vợ thuê người để thử lòng mình. "Anh ấy nói cảm thấy bị xúc phạm danh dự. Hiện tại dù đã nguôi ngoai nhưng anh không còn tin tưởng tôi như trước", Thảo nói.

Ngoai-tinh-2-9186-1694452198.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=im5r31eliaXX2jijXoDbPw

Ảnh minh họa: iStock

Theo chuyên gia tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP HCM, dịch vụ thử lòng người yêu đã phát triển vài năm gần đây ở nhiều nước nhưng nhiều người không nhận ra tác hại rất lớn của hành động này. Có nhiều thống kê cho thấy đa số các cặp đôi sẽ chia tay khi một trong hai sử dụng dịch vụ này, vì lòng tin đã không còn thì họ mới tìm đến dịch vụ để kiểm tra. Với người bị thử, dù kết quả như thế nào cũng sẽ tổn thương nặng nề nghĩ khi đối phương không còn tin mình.

Chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (Hà Nội) cho rằng một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ này ra đời là do lối sống của người trẻ về mặt tình yêu không được bền chặt như xưa. Sự phản bội có thể dễ dàng xảy ra trong thời đại số, làm phá vỡ niềm tin giữa con người với con người. "Không có cầu làm sao có cung, nếu mọi người đều tin tưởng nhau thì không tồn tại dịch vụ này", chuyên gia nói.

Theo bà Thảo, khoảng 70-80% người tìm đến dịch vụ này dưới 30 tuổi. Đa số cho rằng mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội thay đổi và bản thân xứng đáng với những thứ tốt đẹp hơn nên thích được test người mình yêu và khi kết quả không mong muốn họ dễ dàng nói lời chia tay.

Thông thường, về vấn đề nghi ngờ vợ hay chồng ngoại tình hay phản bội, có sự rạn nứt trong hôn nhân, người trên 30 tuổi sẽ tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Thay vì họ đặt câu hỏi chồng có phản bội mình không thì họ sẽ nhờ chuyên gia tìm ra giải pháp phù hợp, hướng đi tốt nhất cho mối quan hệ.

Theo PGS.TS Tâm Lý Trần Thành Nam dịch vụ thử lòng này hoàn toàn không đáng tin cậy. Việc không chấp nhận sự tán tỉnh trên mạng không đồng nghĩa với việc cá nhân đó gắn bó và yêu bạn thực sự. Đôi khi chỉ là họ thấy không phù hợp hoặc họ cũng đã có mối quan hệ ngoài luồng khác. "Nếu họ đã biết về dịch vụ thử lòng trên mạng xã hội, sẽ có cách đối phó chứ không phản ánh con người thật của họ", ông Nam nói.

Bên cạnh sự đồng tình, nhiều người cũng phản đối, lên án trào lưu này. Họ cho rằng những cô gái, chàng trai đang tự hủy hoại hạnh phúc, hủy hoại niềm tin của mình đối với người quan trọng trong cuộc đời họ.

Bị vợ thuê người thử lòng, mời đi cà phê nói chuyện, anh Tuấn Việt (32 tuổi, Hà Nội) đồng ý vì thấy đối phương duyên dáng, hài hước lại hiểu anh. Liên tục nhắn tin, hỏi han trong hai tuần, cô gái đã cho anh cảm giác thân thuộc. Nhưng sau đó anh phát hiện mọi chuyện do vợ mình để lộ thông tin của bản thân và thuê người gài bẫy. Anh thừa nhận mình đã sai nhưng không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Sau đó, cả hai vợ chồng cố bình tĩnh ngồi lại để giãi bày vì đều đã trưởng thành và có con nhỏ.

"Có lẽ tôi nên nhìn lại bản thân vì để vợ phải dùng đến cách này nhưng hạnh phúc là do hai người vun vén và nắm giữ, đừng nên dồn người khác vào những cám dỗ và bắt họ phải là người có tội", Việt nói.

* Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi.

Thanh Nga

g-news247