PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, nguyên giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết như trên tại Hội nghị hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân, ngày 22/9.
Những năm gần đây cấp cứu hàng không tại Việt Nam có những bước đi đầu tiên như phục vụ vận chuyển trong ghép tạng, cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển và hải đảo đưa về đất liền điều trị. Hoạt động này chủ yếu do Bệnh viện Quân y 175 triển khai từ năm 2018, đến nay đã cấp cứu 37 bệnh nhân, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ, công nhân và ngư dân đang công tác trên biển khu vực Trường Sa.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng vận chuyển bệnh nhân bằng đường không ở Việt Nam chưa được quan tâm phát triển, chủ yếu phục vụ y tế biển đảo, còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở các nước phát triển, dịch vụ này khá phổ biến do có nhiều ưu thế như nhanh chóng, khẩn trương, khắc phục tốt nhất trở ngại về địa hình, tranh thủ được thời gian vàng điều trị bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, mô hình cấp cứu đường không trên đất liền đến nay vẫn chưa phát triển, chưa có máy bay chuyên dụng phục vụ cứu thương với trang thiết bị y tế gắn kèm, đảm bảo không gian cho theo dõi và chăm sóc bệnh nhân.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, cho rằng về chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật để tổ chức cấp cứu hàng không, Việt Nam có thể đảm đương được. "Song, hiện nay vấn đề còn thiếu là chính sách, thậm chí nhiều người còn ngần ngại thử nghiệm cái mới với lý do 'còn nghèo', ông Bình nói.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết Sở Y tế TP HCM đang trình UBND đề án cấp cứu ngoại viện từ nay đến năm 2030, trong đó bổ sung mô hình cấp cứu bằng đường hàng không. Dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu cấp cứu của người dân, phát triển hệ sinh thái y tế ở thành phố có đặc thù phát triển mạnh về du lịch y tế, nơi tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mang tầm quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài nước.
"So với các nước, Việt Nam nay mới triển khai dịch vụ này là chậm rồi, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về con người, trang thiết bị", bác sĩ Long nói. Chẳng hạn, từ trước đến nay chỉ lực lượng quân đội thực hiện nhiệm vụ trên trực thăng. Khi đưa vào hoạt động dân sự, vấn đề được đặt ra là lực lượng y tế làm nhiệm vụ trên trực thăng cần đáp ứng những yêu cầu nào, bảo hiểm rủi ro ra sao, cần phải có cơ chế, quy định cụ thể.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng để triển khai dịch vụ cấp cứu hàng không tại Việt Nam đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Bên cạnh đào tạo nhân sự, đòi hỏi phải có trang thiết bị chuyên dụng như cáng cứu thương, hệ thống oxy, hệ thống monitor, sử dụng nguồn điện..., đảm bảo an toàn cho người bệnh, tổ bay cũng như nhân viên y tế.
Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, lợi thế của thành phố là Bệnh viện Quân y 115 có kinh nghiệm triển khai loại hình này để phục vụ chính trị những năm qua. Dự kiến trong giai đoạn đầu đề án, từ nay đến 2030, TP HCM phối hợp Bệnh viện Quân y 175 sử dụng bãi đáp trực thăng của bệnh viện này. Người bệnh cấp cứu được máy bay vận chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối nếu quá khả năng điều trị tại Quân y 175. Giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ mở rộng hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện bằng đường hàng không, khai thác hiệu quả bãi đáp trực thăng hiện hữu tại những bệnh viện khác.
Hiện, một số bệnh viện tại TP HCM có sân trực thăng như Nhân dân 115, Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh), Bệnh viện Tim Tâm Đức (quận 7), Ung bướu 2 (Thủ Đức)..., đều chưa sử dụng.
Lê Phương