(KTSG Online) – Mọi lo ngại gần đây về kịch bản đồng đô la Mỹ mất dần sự thống trị với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu dường như bị thổi phồng. Đồng bạc xanh đang chứng kiến chuỗi tuần tăng giá dài nhất trong gần 9 năm nhờ dữ liệu mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và chu kỳ tăng lãi suất hiện tại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
- Vì sao đô la Mỹ bật tăng trở lại?
- Nhân dân tệ giảm về gần mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ
Tính đến cuối tuần này, chỉ số đồng đô la (DXY), đo lường giá trị đồng bạc xanh với sáu ngoại tệ quan trọng khác (euro, yen Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ) đã tăng 8 tuần liên tiếp. Đây là chuỗi tuần tăng giá dài nhất của đô la kể từ năm 2014. Đô la đã tăng giá khoảng 5% kể từ giữa tháng 7.
Cú bất dậy của đồng tiền Mỹ diễn ra sau nhiều tháng biến động khi có nhiều lo ngại cho rằng đô la có thể dần mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới. Những suy đoán về khả năng phi đô la hóa trong thương mại toàn cầu trỗi dậy vào tháng trước sau khi Trung Quốc dẫn đầu đề xuất mở rộng nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) để bao gồm các nhà sản xuất dầu lớn, chẳng hạn như Saudi Arabia.
“Các đồn đoán về sự sụp đổ của đồng đô la Mỹ tiếp tục bị phóng đại quá mức”, James Athey, giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Abrdn, nói với CNN.
Chỉ số DXY, hiện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng, được hỗ trợ bởi hàng loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ những tuần gần đây, thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Lãi suất của Fed cao hơn thường hỗ trợ giá trị đồng đô la bằng cách thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn, vì các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn.
“Đồng đô la tăng giá nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn của Mỹ, báo hiệu Fed có thể sẽ tăng lãi suất lần nữa trước cuối năm nay”, Quincy Krosby, giám đốc chiến lược toàn cầu của LPL Financial, nói.
Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc và châu Âu đối mặt với triển vọng u ám.
“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội, trong khi các vấn đề ở Trung Quốc và châu Âu dường như đang rơi vào tình trạng suy thoái hơn nhiều”, Athey nói thêm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở sát mức thấp nhất trong 50 năm. Hoạt động tuyển dụng vẫn ổn định với thị trường việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 32 liên tiếp trong tháng 8. Và tiền lương của người Mỹ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, vẫn đang tăng lên.
Nhiều nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Mỹ lên mức cao hơn. Kịch bản “hạ cánh mềm” của Mỹ, tức Fed thành công trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, giờ đây có xác suất xảy ra cao hơn.
Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của ngân hành ING, nói: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục đi lên một cách đáng ngạc nhiên và có vẻ kiên cường hơn dự báo”.
Điều đó sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng Mỹ để tiếp tục chi tiêu. Và Fed có động lực lớn hơn để duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát.
Brzeski cho rằng Fed có ít lý do để cắt giảm lãi suất mạnh vào năm tới. Ông cho biết thêm rằng hiệu quả kinh tế tương đối yếu của châu Âu khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có ít khả năng tiếp tục tăng lãi suất.
Russ Mold, giám đốc đầu tư của Công ty dịch vụ môi giới và đầu tư AJ Bell, nhận định chênh lệch lãi suất ở hai bên bờ Đại Tây Dương và triển vọng Fed duy trì lãi suất, chứ không giảm, là “yếu tố lớn hỗ trợ sự phục hưng của đồng đô la”.
Đồng euro đã mất 4,4% giá trị so với đô la kể từ giữa tháng 7. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá 2,6% trong thời gian đó, chạm mức thấp nhất so với đô la trong 16 năm.
Athanasios Vamvakidis, Giám đốc chiến lược ngoại hối của Bank of America Global Research, cảnh báo khu vực sử dụng đồng euro dường như đối mặt với kịch bản “đình lạm” (stagflation), sự kết hợp đáng sợ giữa lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế đình trệ.
Hôm 7-9, Cơ quan thống kê châu Âu (EuroStat) điều chỉnh ước tính tăng trưởng GDP quí 2 của 20 nước dùng chung đồng euro từ 0,3% xuống 0,1%. Dữ liệu chính thức trong tuần qua cũng cho thấy sản xuất công nghiệp ở Đức giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, làm tăng thêm nỗi lo cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đồng euro yếu hơn có thể sẽ đẩy chi phí nhập khẩu lên cao, gây thêm áp lực lạm phát. Thêm vào đó là giá dầu thô liên tiếp tăng trong những tuần gần đây do Saudi Arabia và Nga hạn chế nguồn cung.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức lớn: tiêu dùng trong nước suy yếu, khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng và xuất khẩu sụt giảm.
“Sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ gây áp lực lên đồng nhân dân tệ mà còn lên các loại tiền tệ quan trọng khác trong khu vực cũng như các đối tác thương mại lớn, bao gồm cả đồng euro”, Alex Cohen, nhà chiến lược ngoại hối cấp cao của Bank of America Global Research, nhận xét.
Theo CNN, Reuters