Thứ sáu, 22 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Doanh nghiệp đang tăng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất

Chủ nhật, 10/09/2023 | 16:45
[G-News24/7] -
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD

37 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,2%.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu 73,94 tỷ USD, giảm 14,8%; doanh nghiệp FDI nhập khẩu 133,57 tỷ USD, giảm 17%.

Trong 8 tháng, có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).

Tăng nhập nguyên liệu phục vụ xuất khẩu

Một trong những điểm tích cực trong tháng 8 đó là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, cụ thể, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước và chiếm 89,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều tăng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 8 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,65 tỷ USD, tăng 2,2%; vải các loại đạt 1 tỷ USD, tăng 2,8%; xăng dầu tăng 45%, ước đạt 1,05 tỷ USD...

Điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đang dần hồi phục sau chuỗi ngày dài bị tác động mạnh bởi tổng cầu thế giới sụt giảm. Cụ thể, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số Quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7). Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm: "PMI ngành sản xuất lần đầu tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu sản xuất của nước ta vẫn giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 183,57 tỷ USD. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… đều giảm ở mức hai con số, nguyên nhân một phần là do giá nguyên liệu hạ nhiệt và việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023 nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày của cả nước đạt trên 509,54 triệu USD, tăng 5,02% so với tháng 6/2023 và giảm 6,32% so với tháng 7/2022, chiếm 1,89% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày của cả nước đạt trên 3,39 tỷ USD, giảm 16,55% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong tháng 8 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 1,46 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát giảm 16,7%, đạt 12,16 tỷ USD. Trong đó, sự sụt giảm được ghi nhận ở các mặt hàng như phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, linh kiện phụ tùng ô tô... Một số ít mặt hàng có kim ngạch tăng là ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ (tăng 3,6%), chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh (tăng 6%), rau quả (tăng 0,6%).

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng năm 2023, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 32,8 tỷ USD, giảm 24,6%; thị trường ASEAN đạt 26,96 tỷ USD, giảm 15,9%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường EU đạt 9,78 tỷ USD, giảm 5,4%; Hoa Kỳ đạt 9,27 tỷ USD, giảm 6,6%.

Xuất khẩu dệt may sắp bước qua thời kỳ ảm đạm Thy Thảo
g-news247