Thứ sáu, 22 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Doanh nghiệp Việt làm gì trong làn sóng AI?

Thứ ba, 26/09/2023 | 00:44
[G-News24/7] -

Với chủ đề "Doanh nghiệp Việt trong cơn sốt AI", diễn đàn CTO Summit 2023 - sự kiện cuối tại AI4VN 2023, chiều 22/9 tiếp tục thu hút sự chú ý của đông đảo người quan tâm đến công nghệ và AI.

Mở đầu sự kiện, ông ông Trần Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ nói đây là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ về AI. Cơn sốt AI không chỉ là đề tài thảo luận các cấp mà trở thành một phần tất yếu trong các doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả - giảm chi phí, tối ưu lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Tú, AI không chỉ là công cụ hữu ích mà còn là một yếu tố quyết định đối với sự cạnh tranh và sự tồn tại của các doanh nghiệp trong thời gian tới. "Chúng ta cần đảm bảo AI không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng, mà còn phải tạo ra giá trị xã hội. Cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và chính phủ để đảm bảo rằng AI phát triển một cách bền vững và hài hòa", ông nói.

z4716647027138-71967df361b77cc-7680-2296-1695380066.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=suac23NhAITpLnsspBxpPA

Ông Trần Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau bài phát biểu của ông Tú, các diễn ra từ các chuyên gia về AI từ các đơn vị cung cấp giải pháp, đơn vị ứng dụng giải pháp đã cùng bàn về tiềm năng của AI cũng như các thách thức và khả năng ứng dụng của công nghệ mới này trong hoạt động của doanh nghiệp.

Cơ hội, thách thức khi ứng dụng AI

Là một trong những diễn giả đầu tiên, ông Trần Minh Vũ - Trưởng phòng Kinh doanh VNPT AI đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng cho AI. Dẫn báo cáo của Oxford Insight và Statista, ông Vũ cho biết Việt Nam đứng thứ 55 về chỉ số sẵn sàng cho AI, tăng 21 bậc vào năm 2022. Về dung lượng thị trường AI, Việt Nam có thể đạt một tỷ USD vào 2026. "Thị trường trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam là một sân chơi tiềm năng và cơ hội thị trường vẫn rộng mở cho tất cả người chơi", ông nói.

Ở vai trò đơn vị phát triển giải pháp, đại diện VNPT AI cho biết đã xây dựng bộ AI Engine với hơn 100 models chia thành 8 nhánh tương ứng với khả năng của con người: Nghe, nói, đọc, nhìn, xử lý nghiệp vụ, tự động hóa, tạo video, phân tích thông tin, có thể phục vụ mọi nhóm người dùng khác nhau, từ khối chính phủ, doanh nghiệp cho tới người dùng. Các ứng dụng trong hệ sinh thái được khẳng định chất lượng qua các tiêu chuẩn của quốc tế, đây là bước tiến lớn của Việt Nam trên bản đồ AI thế giới.

Trong bối cảnh AI tạo sinh, điển hình là ChatGPT phát triển mạnh mẽ thời gian qua, các chuyên gia cũng cho rằng đây là một công cụ cực kỳ hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt các hoạt động liên quan đến truyền thông, công nghệ thông tin.

z4716737127512-4a81c70dce9ddfb-3275-8355-1695380066.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kMViNvXZ4XUfHKvHHFLp-A

Ông Trần Minh Vũ - Trưởng phòng Kinh doanh VNPT AI. Ảnh: Quỳnh Trần

Do làm việc tại nước ngoài không thể tham dự trực tiếp, tiến sĩ Vũ Đỗ Dũng - kỹ sư máy học cao cấp đến từ Công ty Stay22 - đã có bài chia sẻ hấp dẫn về chủ đề ứng dụng AI trong truyền thông. Chuyên gia đã đưa ra ví dụ những hoạt động có thể ứng dụng Generative AI, như tự động tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh hoặc âm nhạc, dựa trên các mẫu và dữ liệu mà nó đã học được. Ông dẫn lại phát ngôn của Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai nhằm chứng minh xu thế tất yếu: "Cơ sở hạ tầng được tối ưu hóa cho AI của chúng tôi là nền tảng hàng đầu để đào tạo và phục vụ các mô hình AI tạo sinh. Hơn 70% kỳ lân thế hệ AI là khách hàng của Google Cloud, bao gồm Cohere, Jasper, Typeface".

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Trí tuệ nhân tạo, FPT Software - lại nhấn mạnh về ứng dụng AI trong ngành lập trình. Theo ông Phong, AI giúp doanh nghiệp cắt giảm khoảng 20% chi phí trong vận hành, kinh doanh. Trong ngành lập trình, 92% lập trình viên của Mỹ dùng AI để tạo ra code. AI có thể tạo ra những dòng code ít lỗi hơn, hữu dụng hơn, giúp tiết kiệm thời gian, sức lao động. Thời gian qua, ông Phong cho rằng Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm hơn cho loại hình này. Ví dụ tại FPT, doanh nghiệp này đã phát triển AI để hỗ trợ lập trình viên hoàn thành các sản phẩm, phần mềm.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra những thách thức của doanh nghiệp trong việc ứng dụng AI, như: cuộc đua AI ngành lập trình vẫn còn ở giai đoạn "chớm nở"; ngôn ngữ lớn trong mảng lập trình vốn đang nằm trong tay của một số nhỏ công ty như Open AI, Google. "Để làn sóng này bùng nổ cần thêm nhiều công nghệ mới như công nghệ hỗ trợ AI đọc được nhiều code hơn, đồng thời cần sự cởi mở của công ty cho phép lập trình viên tiếp cận các công cụ này", ông nói.

Theo ông, thời gian tới, những doanh nghiệp Việt như FPT sẽ đầu tư mạnh để phát triển AI trong lĩnh vực này thông qua bắt tay với Microsoft, viện nghiên cứu Mila (Canada), nhằm giúp giảm tải công việc lập trình viên, tạo sản phẩm hấp dẫn hơn.

Ông cũng cho rằng việc dùng AI có trách nhiệm, cần chú trọng bảo vệ các mô hình AI, đảm bảo các mô hình này đóng góp tích cực cho cuộc sống. "Các công cụ AI có thể có hai mặt, chúng ta cần đánh giá, cần giải pháp, luật lệ, hành lang pháp lý để đảm bảo AI phục vụ hữu ích cho con người", ông khẳng định.

Ứng dụng của AI trong hoạt động doanh nghiệp

Song song với những nghiên cứu về AI, khả năng ứng dụng của công nghệ mới này trong hoạt động thực tiễn doanh nghiệp được các diễn ra từ doanh nghiệp như FPT SmartCloud, Heineken chia sẻ trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm của số đông trong khán phòng.

Với nhiều năm kinh nghiệm phát triển các sản phẩm AI, ông Dương Lê Minh Đức - Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh AI - FPT Smart Cloud đã chia sẻ về ứng dụng AI gia tăng tính minh bạch trong ngành bảo hiểm. Mặc dù đây là một lĩnh vực đặc thù, nhưng thông qua hai video demo về hoạt động của AI trong việc xác thực khách hàng (eKYC) và giám sát chất lượng tổng đài, bài chia sẻ của ông Đức nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ khán phòng.

Ông Dũng chia sẻ về ứng dụng của AI trong nhiều lĩnh vực khác, từ việc sử dụng AI để làm trợ lý eKYC, cho đến ứng dụng trong nghiệp vụ của nhân viên tư vấn.

z4716671041450-b5219dc51600c5e-6667-6668-1695380067.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Cb5eXsaBrsB6KoEtflsMoQ

Ông Dương Lê Minh Đức - Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh AI - FPT Smart Cloud. Ảnh: Quỳnh Trần

Ví dụ, nhờ sử dụng AI, doanh nghiệp có thể đánh giá, đưa ra những cảnh báo trong trường hợp cuộc gọi có vấn đề, đề xuất lên hệ thống cuộc gọi đạt chuẩn. Người bán, doanh nghiệp bảo hiểm có thể kiểm soát hoàn toàn các cuộc gọi. Công nghệ này cũng có công cụ để giúp người bán tăng hiệu quả công việc tư vấn, bán hàng. Mở rộng ra, FPT Smart Cloud cho biết đã cũng xây dựng được bộ kiến thức ngành để tạo ra sản phẩm cung cấp khả năng tư vấn cá nhân hóa. Hệ thống này đào tạo nhân viên bằng cách đặt câu hỏi cho tư vấn viên hằng ngày để kiểm tra, đồng thời cũng trở thành một công cụ hỗ trợ cho nhân viên bảo hiểm trong việc đưa ra các đề xuất, hỗ trợ nhân viên bán hàng có thể đạt hiệu quả cao nhất nhờ AI.

Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Anh Vũ - Giám đốc Digital & Technology tại Heineken Việt Nam đã chia sẻ về việc ứng dụng AI trong công cuộc chuyển đổi số, đưa công ty tới mục tiêu trở thành "công ty bia kết nối nhất" vào năm 2025.

Ở một công ty về đồ uống như Heineken, ông Vũ cho biết công nghệ ứng dụng trong mọi khâu: hoạch định sản xuất tại nhà máy, hậu cần, kho bãi. Ví dụ hoạch định kinh doanh, AI dùng trong dự báo, lên kế hoạch từ đó tối ưu sản xuất, tăng hiệu quả. Khâu hậu cần, AI giúp điều tiết xe tải một cách tối ưu. Trong vận hành, ông dẫn ví dụ từ những bài trình bày trước: dùng camera AI để nhận biết hành vi chưa chuẩn mực, từ đó thay đổi hành vi không an toàn, tạo ra môi trường làm việc tối ưu hơn.

Tại hệ thống phân phối, ứng dụng AI giúp hỗ trợ hoạt động của nhân viên telesale hay nhân viên bán hàng, quản lý hệ thống nhà phân phối, phương tiện vận chuyển để tối ưu chi phí. Tại các điểm chạm với người tiêu dùng, công nghệ này còn giúp cá nhân hóa trải nghiệm, tăng mức độ tương tác giữa người dùng và nhãn hàng. "Công nghệ giúp đơn giản hóa quy trình, nhân viên có thể dùng thời gian đó để tập trung tương tác khách hàng. AI đồng thời giúp cá nhân hóa nghiệp vụ kinh doanh tại từng điểm bán", ông Vũ khẳng định.

z4716895239307-0078816f660ba9a-6990-3499-1695380067.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z5Wg80dIRJ8n5p6CgEaycA

Ông Nguyễn Gia Anh Vũ - Giám đốc Công nghệ và Kỹ thuật sốHeineken Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong toạ đàm "Doanh nghiệp Việt nên bắt đầu từ đâu để không bỏ lỡ xu hướng AI" cuối phiên, ông Vũ Trọng Đạo - Giám đốc Kinh doanh VNPT AI đánh giá dù có nhiều tiềm năng, AI vẫn chưa được ứng dụng triệt để tại Việt Nam.

Lấy số liệu từ một công ty nghiên cứu thị trường quốc tế, ông Đạo cho biết, ở Việt Nam chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp ứng dụng AI so với con số 33% của châu Á và 36-37% của toàn cầu.

Ông cho rằng cái khó khi triển khai các giải pháp công nghệ là cần thay đổi văn hóa nhận thức của người dùng, tổ chức. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp người dùng đang lo ngại về việc thay đổi quy trình, thay đổi tư duy khi ứng dụng AI. Vì thế, các đơn vị nghiên cứu cần tìm đúng điểm chạm giữa doanh nghiệp, người triển khai và người sử dụng để các ứng dụng đáp ứng đúng vào mục tiêu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Vũ, Giám đốc Digital & Technology tại Heineken, đánh giá doanh nghiệp đừng nên cố gắng chạy theo phong trào AI mà cần dựa vào bài toán cụ thể, từ đó hãy tìm giải pháp mà AI hỗ trợ. "Các doanh nghiệp cũng đừng nên đi một mình, hãy tìm đối tác đã dụng trước các giải pháp này. Bên cạnh đó, việc sử dụng những giải pháp đơn giản, tạo được giá trị trước mắt, dễ thành công nên được áp dụng trước để tạo động lực thúc đẩy đơn vị kinh doanh", ông Vũ nói.

Cuối sự kiện là chương trình vinh danh các công ty có môi trường công nghệ tốt tại Việt Nam. Đây cũng là điểm mới của CTO Summit năm nay.

6 công ty được vinh danh Công ty có môi trường công nghệ tốt nhất:

- Công ty bảo hiểm có môi trường công nghệ tốt nhất: Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam

- Công ty viễn thông có môi trường công nghệ tốt nhất: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

- Công ty hàng tiêu dùng có môi trường công nghệ tốt nhất: Heineken Việt Nam

- Công ty công nghệ có môi trường công nghệ tốt nhất: Công ty Cổ phần FPT

- Công ty tài chính có môi trường công nghệ tốt nhất: Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE

- Startup thương mại điện tử có môi trường công nghệ tốt nhất: Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan

z4717060717727-128eb6e2776a233-4477-5216-1695380067.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-mzP1lQ6o343vy6hBk8vqA

Đại diện các doanh nghiệp nhận giải thưởng "Công ty có môi trường công nghệ tốt nhất". Ảnh: Quỳnh Trần

Xem diễn biến chính
g-news247