Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Dòng chảy lịch sử dân tộc trong âm nhạc Văn Cao

Thứ năm, 07/09/2023 | 15:25
[G-News24/7] -

78 năm trước, tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám, ca khúc Tiến quân ca lần đầu tiên vang lên trong cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của nhân dân Hà Nội ủng hộ mặt trận Việt Minh.

Tối 20/8, khoảnh khắc này được tái hiện trong đêm nhạc Đàn chim Việt, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao. PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - đánh giá tiết mục khơi dậy cảm xúc hào hùng, niềm tự hào dân tộc.

Văn Cao - nhạc sĩ của những khúc ca vượt thời gian

Ca khúc "Tiến quân ca" được hàng trăm nghệ sĩ và khán giả thể hiện, trong đêm nhạc tưởng nhớ Văn Cao tối 20/8. Video: Ban tổ chức cung cấp

Tiến quân ca là đại diện tiêu biểu cho âm nhạc Văn Cao ở mảng đề tài cách mạng. Nhạc sĩ An Hiếu - Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội - nói ca khúc đã trở thành biểu tượng cho sức sống của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam. "Lời ca mộc mạc nhưng sâu sắc, khẳng định tinh thần yêu nước. Giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi với quần chúng. Cấu trúc bài hát chặt chẽ. Tôi luôn có nhiều cảm xúc khi nghe bài hát này", nhạc sĩ nói.

Văn Cao viết ca khúc trong những ngày mùa đông năm 1944. Trước đó, nhạc sĩ gặp Vũ Quý - một cán bộ Việt Minh. Sau cuộc gặp, ông được giao nhiệm vụ đầu tiên là viết một bài hát cho quân đội cách mạng. Khi ấy, ông chưa biết chiến khu, chưa gặp các chiến sĩ cách mạng. Nhạc sĩ cứ thế đi dọc các con phố Hà Nội để tìm kiếm những hình ảnh, âm thanh chân thực. Khi bài hát được hoàn thiện, ông Vũ Quý rất hài lòng, xúc động.

Năm 1946, tác phẩm được Quốc hội khóa I chọn làm Quốc ca. Năm 1955, trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã mời nhạc sĩ Văn Cao đến sửa một số chi tiết trong phần lời.

van-cao-4024-1573783644-9379-1692781523.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y7OEVGGkxFtyrhGuXRp3eQ

Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), hình do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp.

Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao ra đời thập niên 1940 mang đậm dấu ấn lịch sử, đi vào đời sống tinh thần người dân.

Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ - nói về chất liệu thực tế mà Văn Cao sử dụng ở Trường ca Sông Lô - sáng tác nổi bật của nhạc sĩ giai đoạn này. Trên đường lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, Văn Cao phải men theo dọc sông Lô để tránh phục kích của địch. Ông và gia đình đi qua những ngôi làng chỉ còn sót lại nền nhà cháy rụi vì bị giặc đốt phá.

Ở bến Phan Lương, Văn Cao bắt gặp những người dân trở về sau chiến thắng, thấy cảnh xác giặc trôi trên sông. Ông đã đưa những hình ảnh đó vào bài hát: "Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui, trên sóng nước biếc trôi đầy sông bao đám xác thù/ Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa, đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa...". Tác phẩm ra đời năm 1947, được đăng trên báo Văn nghệ năm 1948.

Ánh Tuyết hát "Trường ca sông Lô"

Ánh Tuyết hát "Trường ca sông Lô" (Văn Cao). Video: YouTube Ánh Tuyết

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho biết không chỉ tái hiện lịch sử, âm nhạc Văn Cao có tính dự báo, từ Tiến quân ca đến Tiến về Hà Nội. Văn Cao sáng tác Tiến về Hà Nội năm 1949 theo nhiệm vụ được giao, với những ca từ như một lời dự đoán về chiến thắng: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố...". Tháng 10/1954, tác phẩm được công bố trong niềm vui của ngày Giải phóng Thủ đô.

Dù chiến tranh khốc liệt, âm nhạc của Văn Cao vẫn vang lên khát vọng sống và tinh thần chiến đấu, như nguồn khích lệ lớn cho quân và dân. Đến nay, giai điệu của Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca luôn gợi cảm xúc cho nhiều thế hệ khán giả.

Ở giai đoạn tiền chiến, Văn Cao thường đưa những những nỗi niềm, tâm sự cá nhân vào sáng tác với Buồn tàn thu, Bến xuân, Trương Chi. Khi tiếp xúc với cách mạng, âm nhạc của ông mang khí thế chiến đấu để phù hợp thời cuộc. Sau năm 1975, Văn Cao lại quay về chất trữ tình vốn có, với ca khúc Mùa xuân đầu tiên, hòa chung cảm xúc đặc biệt của ngày thống nhất đất nước.

"Trước giai đoạn âm nhạc cách mạng, Văn Cao tạo nên những đỉnh cao của nhạc lãng mạn Việt Nam. Sự lãng mạn trong âm nhạc của ông có tính xuyên suốt", PGS.TS Lê Văn Toàn nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết - một trong những giọng ca từng thể hiện nhiều ca khúc trữ tình của ông - nói âm nhạc Văn Cao chứa đựng những câu chuyện đời, tâm tư, cảm xúc rất thật từ con người ông. Các sáng tác của ông vừa mang tình yêu nước vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa Đông Tây.

Nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn thân của Văn Cao, từng nói nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm tân nhạc thì Suối mơ, Bến xuân là cực điểm của tính lãng mạn. Âm nhạc Văn Cao từng được Trịnh Công Sơn nhận xét "sang trọng như một ông hoàng".

Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995. Ông được xem là thiên tài của lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ngoài viết nhạc, Văn Cao còn sáng tác thơ, vẽ tranh, viết báo. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Thanh Thúy hát ''Mùa xuân đầu tiên' - Văn Cao

Ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao được ông hoàn thành năm 1976, ca sĩ Thanh Thúy thể hiện. Video: YouTube Nhạc hay Việt Nam

Phương Linh

  • Nguyễn Đình Toán kể kỷ niệm với nhạc sĩ Văn Cao
  • Tùng Lâm hát tình khúc Văn Cao - Phạm Duy
g-news247