(KTSG) – Bất chấp những suy đoán về khả năng phi đô la hóa trong thương mại toàn cầu gia tăng đặc biệt mạnh mẽ sau khi Trung Quốc thúc đẩy đề xuất mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), đồng đô la Mỹ vẫn mạnh áp đảo.
- Đô la Mỹ có chuỗi tuần tăng giá dài nhất trong gần 9 năm
- Nhân dân tệ giảm về gần mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ
Nối dài đà tăng nhờ triển vọng kinh tế Mỹ
Chỉ số đô la Mỹ (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã khép lại tuần giao dịch trước với mức tăng 0,79%. Đây cũng là tuần tăng thứ tám liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất của đồng đô la Mỹ kể từ cuối năm 2014. Tính từ giữa tháng 7 tới nay, đồng đô la Mỹ đã tăng khoảng 5%.
Sự phục hồi diễn ra sau nhiều tháng biến động, được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng đồng đô la Mỹ có thể mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới. Những suy đoán về khả năng phi đô la hóa trong thương mại toàn cầu đã gia tăng đặc biệt mạnh mẽ sau khi Trung Quốc thúc đẩy đề xuất mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), trong đó bao gồm việc kết nạp các nhà sản xuất dầu lớn, chẳng hạn như Arập Saudi.
“Những tin đồn về sự sụp đổ của đồng đô la Mỹ tiếp tục bị phóng đại quá mức”, James Athey, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Abrdn, chia sẻ với CNN.
Chỉ số DXY, hiện đang ở mức cao nhất trong sáu tháng, đã được hỗ trợ bởi hàng loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ trong những tuần gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang dao động ở gần mức thấp nhất trong 50 năm qua. Hoạt động tuyển dụng nhìn chung vẫn ổn định sau khi ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 32 liên tiếp trong tháng 8. Và tiền lương của người lao động Mỹ, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Nhiều nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ lên cao hơn sau các dữ liệu khả quan này. Kịch bản “hạ cánh mềm” – tức là khi ngân hàng trung ương thành công trong việc giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái – giờ đây ngày càng có nhiều khả năng xảy ra.
Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING, chia sẻ với CNN: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục đi lên một cách bất ngờ. Nó có vẻ vững vàng hơn nhiều so với lo ngại của thị trường”.
Sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ mang lại cho người tiêu dùng niềm tin để tiếp tục chi tiêu và khiến cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động lực lớn hơn để giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát. Ông Brzeski dự báo, Fed “có ít lý do để cắt giảm lãi suất mạnh mẽ vào năm tới”.
Theo công cụ Fedwatch của CME Group, khoảng 40% nhà giao dịch kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong phần còn lại của năm 2023. Điều này sẽ thu hút nhiều luồng vốn nước ngoài đổ vào thị trường tài chính Mỹ, làm tăng sức hấp dẫn của đồng bạc xanh đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Sự suy yếu của các đồng tiền chủ chốt
Trong khi đồng đô la Mỹ liên tục mạnh lên thì các đồng tiền chủ chốt khác, từ euro, nhân dân tệ cho tới yen Nhật lại đang đối mặt với nhiều sức ép.
Tại châu Âu, đồng euro đã mất 4,4% giá trị kể từ giữa tháng 7, và chốt phiên cuối tuần qua ở mức 1 euro đổi 1,0699 đô la, đánh dấu tuần giảm thứ tám liên tiếp.
Hôm thứ Năm tuần trước, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) đã điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng GDP của 20 quốc gia Eurozone từ 0,3% xuống 0,1% trong quí 2 năm nay. Các dữ liệu chính thức công bố cùng ngày cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp ở Đức trong tháng 7 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, làm gia tăng lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Hiệu quả kinh tế tương đối yếu của châu Âu khiến cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có rất ít cơ hội để tiếp tục tăng lãi suất cho vay cơ bản. Chuyên gia Russ Mold, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell, nói với CNN rằng sự khác biệt giữa hai mức lãi suất của Fed và ECB – “cùng với triển vọng chênh lệch lãi suất tiếp tục được duy trì chứ không giảm” – là “yếu tố quan trọng trong sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ so với euro”.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã giảm 2,6% kể từ tháng 7, chạm mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong vòng 16 năm giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn: giá tiêu dùng giảm, khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc và hoạt động thương mại suy yếu.
Sự suy yếu của nền kinh tế đã buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải cắt giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản thế chấp và cho vay đối với các ngân hàng trong những tháng gần đây để giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Theo nhà phân tích Axel Rudolph của IG, sự bền bỉ của kinh tế Mỹ tương phản với những khó khăn đang diễn ra tại Trung Quốc ngay cả khi các lệnh phong tỏa do Covid-19 đã được dỡ bỏ hồi cuối năm ngoái, đã khiến đồng đô la Mỹ trở thành khoản đầu tư hấp dẫn hơn đồng nhân dân tệ.
Ông Alex Cohen, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Bank of America Global Research, cũng nhận định: “Sự suy yếu của Trung Quốc không chỉ đè nặng lên đồng nhân dân tệ mà còn lên các loại tiền tệ quan trọng khác trong khu vực cũng như các đối tác thương mại lớn của nước này”. Đồng đô la của Úc – đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc đã giảm hơn 10% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm tới nay.
Một đồng tiền khác cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn là yen Nhật. Hôm 7-9, tỷ giá của đồng yen Nhật đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và có nguy cơ rơi về mức “đáy” của năm ngoái là 151,94 yen đổi 1 đô la.
Một trong những yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư bán ra đồng yen là khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản với thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Trong khi Fed vẫn đang duy trì lãi suất ở mức cao, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm.
Theo Ngân hàng JPMorgan Chase, khoảng cách giữa lãi suất của Nhật Bản với mức lãi suất trung bình trên toàn thế giới đã lên tới 4,8 điểm phần trăm. Con số này vượt quá mức chênh lệch vào năm 2007, thời kỳ hoàng kim của giao dịch mua bán đồng yen, trong đó các nhà đầu tư vay đồng yen với lãi suất thấp để giao dịch và tìm kiếm lợi nhuận bằng đồng tiền mạnh hơn. Đây cũng là mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2001.
Trong khi BOJ tỏ ra ít lo lắng về việc đồng yen bị mất giá và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, các quan chức Chính phủ Nhật Bản hiện đang có thái độ cảnh giác về sự sụt giảm kéo dài của đồng yen. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, Masato Kanda, mới đây đã khẳng định đang theo dõi tình hình và sẵn sàng can thiệp bằng mọi khả năng nếu có hành vi đầu cơ vi phạm các nguyên tắc kinh tế cơ bản.
Đồng đô la Mỹ vẫn sẽ duy trì được sức mạnh
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn đang vững vàng, còn châu Âu và Trung Quốc chưa thể thoát khỏi tình trạng suy yếu, đồng đô la Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được sức mạnh của mình, ít nhất là trong năm 2023, so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Kết quả khảo sát từ ngày 1 đến 6-9 của Reuters cho thấy, 81% số chuyên gia được hỏi tin rằng đồng đô la Mỹ sẽ có triển vọng tăng giá trong thời gian tới.
Còn trong thời gian dài hơn, theo quan điểm của khoảng 70 nhà chiến lược ngoại hối, đồng đô la được dự đoán sẽ giảm nhẹ so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong vòng một năm tới. Sự suy yếu nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm 2024, khi Fed tiến gần hơn tới đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Lee Hardman, nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG, dự báo: “Trong sáu đến chín tháng tới chúng tôi dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất và đó là thời điểm chúng tôi nghĩ rằng đồng đô la Mỹ sẽ suy yếu trở lại”.
Tuy vậy, các chuyên gia của HSBC lại cho rằng đà tăng của đồng đô la Mỹ vẫn có thể tiếp tục được duy trì trong năm tới. Trong một báo cáo mới công bố, các chiến lược gia nhận định, ngay cả khi triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ tương đối hấp dẫn hơn và đồng đô la có thể chịu được bất kỳ chu kỳ nới lỏng chính sách nào của Fed.
“Với viễn cảnh khó khăn hơn đối với châu Âu, Trung Quốc và các nền kinh tế khác, thị trường có thể ngày càng nhận thấy những rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng toàn cầu và điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng đô la Mỹ mạnh mẽ hơn nữa”, HSBC kết luận.
Nguồn: CNN Business, Reuters, Bloomberg, The Sydney Morning Herald, Investing.com, Business Insider