Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 10/9 lên tàu tới thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, sau nhiều đồn đoán về một cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều. Tháp tùng ông Kim Jong-un có các quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, chính phủ và lực lượng vũ trang.
Hình ảnh do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố cho thấy một lễ tiễn với các nghi thức trọng thể đã được tổ chức tại ga tàu ở Bình Nhưỡng, trước khi ông Kim Jong-un lên đoàn tàu bọc thép tới Nga. Thời gian gặp giữa ông Kim và ông Putin chưa được công bố.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un tới Nga kể từ tháng 4/2019, khi ông đến Vladivostok gặp Tổng thống Putin sau các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa bất thành với Mỹ. Sau cuộc hội đàm 4 năm trước, ông Putin mô tả ông Kim là "người đối thoại thú vị", đồng thời thông báo nội dung thảo luận cho Trung Quốc và chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Putin lúc đó thể hiện hình ảnh của một chính khách quốc tế có thể tiếp xúc với cả Mỹ và Trung Quốc, tự định vị mình là người trung gian tiềm năng cho các nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng sau 4 năm, hoàn cảnh đã thay đổi.
Phương Tây đã áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm bóp nghẹt kinh tế Nga, tìm cách cô lập Moskva trên trường quốc tế, nhằm phản ứng với chiến dịch mà nước này phát động tại Ukraine. Các kênh liên lạc cấp cao giữa Nga và Mỹ gần như đã chấm dứt kể từ tháng 2/2022, thời điểm chiến sự Ukraine bắt đầu.
Năm 2019, ông Kim thất vọng trước những cuộc gặp thượng đỉnh thất bại với ông Trump và tới Vladivostok trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Giờ đây, ông đến Nga với vị thế khác, trong bối cảnh Moskva đang tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự nhằm chống lại áp lực ngày càng tăng từ phương Tây, theo bình luận viên Robbie Gramer và Amy Mackinnon của Foreign Policy.
Giới quan sát cho rằng hai nước đang mong muốn xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Triều Tiên đang dần mở cửa lại sau khoảng ba năm đóng biên chống Covid-19 và cũng muốn tìm kiếm những công nghệ mới nhằm phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa. Trong khi đó, Nga đang tìm cách tập hợp mọi nguồn cung cấp quân sự và hỗ trợ quốc tế có thể, khi chiến sự Ukraine kéo dài và tiêu hao đáng kể nguồn lực của nước này.
"Nhu cầu của phía Nga rất lớn. Nga cần thị trường mới cho năng lượng, cần vũ khí và cần những cách thức mới nhằm thoát khỏi áp lực ngày càng tăng từ lệnh trừng phạt của phương Tây", Michael Kimmage, học giả tại Đại học Công giáo Mỹ, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.
Triều Tiên vẫn quyết theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và lệnh trừng phạt quốc tế. Nga nhiều năm qua đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân. Đây là vấn đề duy nhất mà Moskva và Washington đồng quan điểm.
Nhưng tầm nhìn chung hiếm hoi này đã bị phá vỡ sau khi Nga phát động chiến sự tại Ukraine. Kể từ đó, phương Tây ngày càng lo ngại rằng Nga có thể gián tiếp hỗ trợ chương trình hạt nhân Triều Tiên bằng cách cung cấp cho Bình Nhưỡng công nghệ tên lửa mới cũng như biện pháp đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của các đối thủ.
Nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Triều Tiên tái khởi động các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa vẫn giậm chân tại chỗ. Bình Nhưỡng không phản hồi bất cứ đề xuất đàm phán mới nào từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo giới quan sát, Nga trước đây ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế có thể vì lo ngại viễn cảnh nước láng giềng Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã buộc họ phải suy nghĩ lại về các ưu tiên của mình.
Moskva đang tìm cách cắt hoàn toàn hợp tác với phương Tây, một bước thay đổi đáng kể so với quan điểm ban đầu của Tổng thống Putin khi ông lên nắm quyền hơn hai thập kỷ trước. Mở rộng quan hệ với Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển và thậm chí cả những nước bị phương Tây cô lập như Triều Tiên phù hợp với chiến lược trên.
"Ông Putin đang cố gắng phát triển một chính sách đối ngoại mới. Đây là hoạt động rất nghiêm túc đối với Moskva và Triều Tiên có thể tham gia theo cách này", Kimmage nói.
Theo một số nhà phân tích, Nga đã xác định chiến sự Ukraine sẽ kéo dài và họ cần liên tục bổ sung kho vũ khí của mình. Triều Tiên có thể giúp ích cho mục tiêu này.
Bình Nhưỡng sở hữu kho dự trữ đạn pháo khổng lồ, phần lớn được sản xuất dựa trên các mẫu từ thời Liên Xô, tương thích với hệ thống vũ khí Nga. Triều Tiên cũng có năng lực sản xuất vũ khí lớn.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cuối tháng trước nói rằng Nga đang "bí mật đàm phán" nhằm mua đạn dược và vật tư quân sự từ Triều Tiên để dùng cho xung đột Ukraine, trọng tâm là cung cấp đạn pháo cho Moskva.
Ông cáo buộc Triều Tiên đã cung cấp tên lửa và rocket cho Nga từ năm ngoái, song Triều Tiên và Nga bác bỏ. Giới chức Nga gọi đây là tin giả, trong khi Triều Tiên chỉ trích Mỹ cố gắng bôi nhọ hình ảnh của họ bằng cách "vẽ ra những thứ không tồn tại".
Nhưng John Everard, cựu đại sứ Anh tại Bình Nhưỡng, cựu điều phối viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, lưu ý rằng thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên không nhất thiết phải đạt được ở một cuộc gặp thượng đỉnh. Theo ông, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Putin và lãnh đạo Kim Jong-un rõ rằng nhằm truyền thông điệp tới phương Tây.
"Ưu tiên của họ là để tất cả cùng nhìn thấy mối quan hệ hợp tác này", William Pomeranz, giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, chuyên nghiên cứu về Nga và Á - Âu, trụ sở tại Washington, Mỹ, bình luận.
Về phía Triều Tiên, họ đang tìm kiếm hỗ trợ của Nga trong nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao đến quân sự. Theo các quan chức Mỹ và Hàn Quốc giấu tên theo dõi cuộc gặp, để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga, Bình Nhưỡng có thể yêu cầu Moskva trợ giúp trên một số khía cạnh.
Đầu tiên là viện trợ lương thực, y tế và kinh tế, thứ mà Triều Tiên đang rất cần sau quãng thời gian đóng cửa ngăn đại dịch, khiến những khó khăn về kinh tế và an ninh lương thực của đất nước trở nên trầm trọng.
Thứ hai, Triều Tiên có thể tận dụng việc xích lại gần hơn với Nga để một lần nữa nâng vị thế của nước này trong mắt Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết dù Bắc Kinh vẫn ủng hộ Bình Nhưỡng, mối quan hệ giữa hai nước gần đây không được như kỳ vọng. Hợp tác thương mại giữa hai nước giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch và chưa được khôi phục, dù Bình Nhưỡng đang đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế.
Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga có thể thúc đẩy Bắc Kinh mở rộng quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng nhằm tránh bị mất ảnh hưởng trước Moskva.
Triều Tiên cũng có thể muốn học hỏi công nghệ vệ tinh và tàu ngầm hạt nhân từ Nga, mặc dù mức độ chuyển giao những công nghệ này của Moskva vẫn chưa rõ ràng.
Cũng có những quan ngại về viễn cảnh Nga hỗ trợ chương trình tên lửa Triều Tiên bằng cách chuyển giao công nghệ về nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc công nghệ vô hiệu hóa tên lửa đánh chặn phương Tây.
"Đây là hai thứ giúp hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân có khả năng sống sót cao hơn nhiều và không dễ bị hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ngăn chặn", chuyên gia Victor Cha từ CSIS đánh giá. "Đó là mối lo ngại thực sự đối với Mỹ".
Các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden đã cảnh báo rằng Nga và Triều Tiên có thể phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nếu tăng cường quan hệ quân sự. "Sẽ là một sai lầm lớn nếu Triều Tiên làm điều đó", Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố.
Không rõ liệu ông chủ Điện Kremlin có chú ý đến bất kỳ cảnh báo nào của Mỹ hay không. "Tôi nghĩ Tổng thống Putin biết rằng ông ấy có thể khiến Mỹ đau đầu hơn với vấn đề an ninh ở châu Á", Cha nói. Với cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên, "ông ấy đang cho thấy mình cũng có khả năng khiến phương Tây phải trả giá bên ngoài châu Âu".
Vũ Hoàng (Theo Foreign Policy)