(KTSG Online) – Từ ngày 10-9, các đại lý ủy quyền của nhà mạng trên toàn quốc sẽ dừng bán SIM, để giảm SIM không chính chủ. Trong các đợt rà soát vừa qua, hơn 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ khỏi hệ thống.
- Đến 31-8, hoàn thành việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM
- Bán dữ liệu, SIM “rác” tài khoản “bốc hơi”: Những lỗ hổng đáng sợ
TTXVN dẫn số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hàng tháng có khoảng 1,5 triệu SIM phát hành ra thị trường. Trong số đó, có tới 80% SIM phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% SIM được bán trực tiếp từ nhà mạng (các cửa hàng giao dịch của nhà mạng…) và 10% qua kênh chuỗi (là các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn).
Trong số này, kênh đại lý là nguồn phát hành nhiều SIM không chính chủ nhất. Hiện nay, để kích hoạt SIM, thông tin khi đăng ký từ các nhà mạng lớn đều đã kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. SIM chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng SIM thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn và dùng luôn.
Điều này đến từ việc các đại lý “lách luật”, lấy thông tin của người dân (thuê, mượn căn cước công dân) đăng ký thông tin tin rồi đem bán cho người dùng khác, dẫn đến tình trạng thuê bao chính chủ nhưng người sử dụng thì không phải chính chủ.
Trong các đợt rà soát vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã loại bỏ hơn 12,5 triệu SIM không chính chủ ra khỏi hệ thống.
TTXVN đưa tin, tại họp báo tháng 9, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để ngăn chặn cuộc gọi rác, lừa đảo từ các SIM không chính chủ, các nhà mạng cam kết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng SIM không chính chủ. Một trong các giải pháp là ngừng phân phối SIM qua các đại lý từ ngày 10-9 và các nhà mạng chỉ phân phối SIM qua kênh trực tiếp của nhà mạng và các hệ thống kênh chuỗi lớn, uy tín.
Đấu giá số điện thoại “đẹp” công khai
Số điện thoại số “đẹp” (SIM số đẹp) sẽ được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm cố định, ai trả cao nhất sẽ sở hữu số này, còn lại cấp cho doanh nghiệp viễn thông.
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ quy định số đẹp là do người dân tự quyết, cơ quan chức năng niêm yết số một cách công khai, người dân thích số nào thì chọn số đó; mức khởi điểm là cố định, không phải tham chiếu các nước… mà từ đấy đấu giá lên, ai trả cao nhất sẽ sở hữu số này, còn lại cấp cho doanh nghiệp.
Dự thảo Luật quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại kho số, bảo đảm tính minh bạch và việc thực thi khi Luật được ban hành. Việc đấu giá tài nguyên viễn thông (bao gồm số thuê bao “đẹp”) sẽ do thị trường lựa chọn và quyết định.