Tháng 6/2022, quá trình rà soát tội phạm liên quan lĩnh vực bảo hiểm, trinh sát Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) tập trung nghi vấn vào Lê Thị Hà An, 34 tuổi, trú phường Quán Bàu, TP Vinh. Hà An được cho là am hiểu các chương trình, chế độ chi trả hợp đồng bảo hiểm. Người phụ nữ này gần đây có biểu hiện bất minh về kinh tế khi mới vừa mua căn hộ cao cấp, xây nhà mới ở quê, cuộc sống sung túc.
Cảnh sát nhận định, chồng làm giáo viên, hai bên nội ngoại không dư dả, Hà An làm tự do nên không thể có lượng tiền lớn chi tiêu như vậy.
Vào cuộc điều tra, nhà chức trách phát hiện Hà An là mắt xích trong đường dây trục lợi bảo hiểm quy mô lớn trên địa bàn. Hà An liên hệ với người cần làm bệnh án giả để thanh toán quyền lợi bảo hiểm, hướng dẫn họ mua các hợp đồng bảo hiểm mà khi bị tai nạn sẽ được chi trả hàng trăm triệu đồng.
Trinh sát cho hay Hà An không quan tâm khách hàng được bảo hiểm chi trả hay không, luôn thu trước 100-150 triệu đồng một bệnh án giả. Có thông tin cá nhân, Hà An nhờ mẹ ruột Thái Thị Mai, 56 tuổi, điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, làm giả bệnh án gãy xương và bỏng.
Tháng 10/2022 khi nghỉ hưu, bà Mai giới thiệu Nguyễn Quốc Việt, 39 tuổi, kỹ thuật viên chụp X-Quang của Trung tâm, cho con.
Mỗi lần nhờ mẹ và Việt làm giả hồ sơ, Hà An chuyển 2,5-5 triệu đồng tiền công. Việt có nhiệm vụ chỉnh sửa phim X-Quang để khớp với thông tin khách hàng. Còn bà Mai thực hiện đăng ký khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh rồi của Trung tâm nhờ các bác sĩ điều trị ký khống thủ tục để khép bệnh án.
Xong mọi thủ tục, Hà An chuyển hồ sơ cho khách hàng. Tiếp nhận hồ sơ, khoảng một tháng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xem xét và chuyển tiền cho khách hàng theo hợp đồng đã ký, kết luận điều tra nêu.
Ban chuyên án xác định, ngoài "đạo diễn" các vụ trục lợi bảo hiểm thương mại, Hà An còn thông qua mối quan hệ thân thiết với bác sĩ Trần Đức Lượng, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, phối hợp làm giả bệnh án để thanh toán bảo hiểm y tế.
Lượng là bác sĩ chữa trị tim mạch có tiếng ở Nghệ An. Hồ sơ vụ án thể hiện, khi Hà An và khách hàng muốn làm bệnh án giả, bác sĩ Lượng đăng ký thông tin người khám bệnh tại bộ phận tiếp đón của Khoa Nội tim mạch rồi khám, chỉ định điều trị nội trú. Khi "bệnh nhân ảo" ra viện, nam bác sĩ chốt thủ tục, trích sao bệnh án đưa cho Hà An và đối tác để làm hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế.
Trinh sát cho hay, khi nào thấy bảo hiểm y tế và Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh kiểm soát chặt, bác sĩ Lượng yêu cầu người bệnh đến đăng ký khám và thực hiện xét nghiệm ban đầu tại các khoa khác rồi chuyển lại kết quả cho mình để làm bệnh án điều trị nội trú. Trên thực tế, những người này làm thủ tục nhập viện xong thì đi về. Nhưng với hồ sơ khống, họ vẫn được bảo hiểm y tế chi trả 2-3,5 triệu đồng mỗi đợt "nhập viện". Trong số này, bác sĩ Lượng nhận tiền công 500.000 đồng mỗi hồ sơ.
Ban chuyên án cho biết, Hà An và bác sĩ Lượng chỉ nhận làm bệnh án giả cho người quen. "Khi đến bệnh viện tìm manh mối, chúng tôi không dám ra vào nhiều vì sợ bị những người liên quan nghi ngờ, tìm cách hủy hồ sơ. Mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân tới cơ sở y tế thăm khám, trinh sát phải tìm cách tiếp cận để nhận biết ai đang mắc bệnh thật, ai đang giả bệnh nhằm trục lợi bảo hiểm", một trinh sát kể.
Đầu tháng 6, vụ án sáng tỏ khi các công ty bảo hiểm thương mại đến gặp cơ quan điều tra cung cấp hồ sơ những khách hàng nghi vấn trục lợi bảo hiểm. Hà An và những người liên quan thấy "động" nên cắt liên lạc với nhau, đồng thời tìm cách tiêu hủy chứng cứ, cảnh sát cho hay.
Ngày 15/6, biết Hà An và mẹ đang du lịch ở TP HCM, những người trong đường dây cũng chuẩn bị cùng gia đình vào Đà Nẵng nghỉ dưỡng, ban chuyên án quyết định "giăng lưới". Hôm sau, một tổ công tác được cử vào TP HCM đón lõng trước cửa nhà nghỉ, Hà An và bà Mai vừa đi về thì bị khống chế.
Cùng thời điểm, các trinh sát ở Nghệ An cũng đến Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh và Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ bắt bác sĩ Lượng, kỹ thuật viên Việt cùng một người trục lợi bảo hiểm là Nguyễn Thị Quỳnh An, 35 tuổi.
Điều tra viên chia sẻ, Hà An khai khi được nhờ làm bệnh án giả đã nhận lời vì túng thiếu, "lâu dần thấy kiếm tiền dễ nên không dừng lại được". Bác sĩ Lượng thì tự tin "không bị lộ" bởi bệnh án do ông "thiết kế", phải là người giỏi chuyên môn mới nhận ra được kẽ hở.
Nhà chức trách ban đầu cáo buộc từ năm 2022 đến nay, Hà An làm giả 22 bệnh án gãy xương và bỏng tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ và Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, giúp đối tác chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Một bệnh án được trả 100-300 triệu đồng, mỗi bộ hồ sơ có thể thanh toán tại nhiều doanh nghiệp. Hà An bị ước tính đã hưởng lợi bất chính khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà An và bác sĩ Lượng còn làm khống hơn 450 bệnh án điều trị nội trú tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội Nghệ An và các công ty khác khoảng 3 tỷ đồng.
Theo Công an Nghệ An, Hà An là chủ mưu, Quỳnh An mua bệnh án giả trục lợi. Vụ án có sự tiếp tay của 3 bác sĩ, nhân viên y tế là Lượng, Việt và bà Mai. Hiện 5 người đã bị khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Giả mạo trong công tác, Gian lận bảo hiểm y tế, theo điều 174, 359 và 215 Bộ luật Hình sự.
Cảnh sát đang mở rộng điều tra để xử lý những người trục lợi bảo hiểm và các cán bộ y tế liên quan; thu hồi tiền thất thoát cho Nhà nước cũng như các công ty bảo hiểm thương mại.
Đức Hùng