KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam), từng tham gia nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại Hà Nội. Mới đây là dự án trùng tu, cải tạo biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo.
VnExpress trò chuyện với ông về dự án trùng tu biệt thự cổ tại Thủ đô.
- Trực tiếp tham gia cải tạo, trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, ông nghĩ thế nào khi dư luận từng có nhiều luồng ý kiến về màu sơn bên ngoài?
- Tôi thích theo dõi báo chí và mạng xã hội nêu quan điểm xung quanh căn nhà. Một số ý kiến rất thú vị, nhưng cũng có một số bất hợp lý. Ví dụ chuyện nhiều người trên mạng xã hội nói màu sơn quá xấu, tại sao không sử dụng màu sơn trang nhã, hiện đại và hợp mắt hơn.
Lựa chọn một màu sơn thật đẹp, thật bắt mắt quá đơn giản, chúng tôi hoàn toàn có thể làm được. Nhưng đối với việc chỉnh trang, tái tạo một công trình di sản, điều quan trọng không phải là làm nó đẹp mà đưa nó quay về đúng nhất với bản gốc. Chúng tôi chọn màu sắc như vậy vì nó phản ánh quan điểm mỹ thuật, kiến trúc trong quá khứ và đó là cách chúng tôi giúp người dân biết được trong quá khứ căn biệt thự trông như thế nào. Việc này cũng phù hợp nguyên tắc bảo tồn ở châu Âu.
Và bạn thử nghĩ xem, nếu chúng tôi cố gắng sơn căn biệt thự theo kiểu hiện đại hơn, đẹp mắt hơn, chắc chắn sẽ có vô số ý kiến phản đối vì đã không tôn trọng sự nguyên bản. Lúc nào cũng vậy, một phương án không thể làm hài lòng tất cả.
- Theo ông, thách thức lớn nhất trong việc cải tạo công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội là gì?
- Trong các công đoạn, vất vả và tốn thời gian nhất vẫn là tìm được dữ liệu gốc về hình dáng, cấu trúc của công trình. Dữ liệu càng chính xác, chúng tôi càng dễ dàng tái tạo kiến trúc theo đúng phong cách trong quá khứ.
Trong quá khứ, đây đều là biệt thự gia đình nên khi tu bổ, cải tạo, chúng tôi không thể tìm được những bản vẽ kỹ thuật gốc. Thay vào đó, kiến trúc sư phải tự khảo sát, đo đạc để làm bản vẽ mới. Và tất nhiên đã không còn chính xác, do đã được sửa sang, cải tạo nhiều. Qua thời gian dài, tòa nhà cũng xuống cấp, bị sụt lún, có điểm bị sụt đến 45 cm.
Mục đích sử dụng của căn biệt thự cũng được thay đổi. Mỗi biệt thự được thiết kế dành cho một gia đình, nhưng sau này được sử dụng để phân phối lại, thành 5-6 gia đình với nhiều thế hệ. Như biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đã bị phá dỡ phần cầu thang trong nhà để dành diện tích cho sinh hoạt; một số bức tường bỏ, một số khác được dựng lên để phân chia lại các phòng.
Điều đáng buồn hiện nay, tôi thấy nhiều công trình biệt thự cổ, di sản kiến trúc bị cải tạo và bảo quản sai cách, làm mất đi giá trị lịch sử, mỹ thuật trong quá khứ. Vì vậy, tôi mong dự án trùng tu biệt thự ở Trần Hưng Đạo là bước thí điểm để TP Hà Nội có thêm nhiều kinh nghiệm, cách thức cải tạo công trình kiến trúc bài bản, khoa học, lưu giữ nguyên vẹn giá trị.
- Hà Nội có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc cổ ở Pháp?
- Điều tôi thấy vui là chính quyền thành phố và quận Hoàn Kiếm thực sự rất nghiêm túc trong việc cải tạo công trình biệt thự cổ. Họ đề nghị chúng tôi tham gia với mong muốn tái hiện dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Hà Nội trong quá khứ. Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo là bước đầu tiên trong quá trình này, tôi tin những dự án sau chúng tôi sẽ thực hiện tốt hơn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một trong những thách thức là làm sao để phát triển, giúp chính quyền tạo được nguồn thu từ chính những căn biệt thự cổ để tái đầu tư vào dự án chỉnh trang, cải tạo công trình kiến trúc sắp tới.
Như ở Pháp, sau khi biệt thự cổ được sửa sang, cải tạo, chúng tôi có thể sử dụng làm các gallery trưng bày tranh, tác phẩm nghệ thuật, hoặc cho nhà hàng sang trọng thuê địa điểm. Đây là điểm rất đáng lưu ý, tôi nghĩ thành phố nên tính toán để việc bảo tồn các công trình cổ đạt hiệu quả kinh tế.
- Vốn đã rất quen thuộc kiến trúc Pháp tại quê nhà, vì sao ông vẫn say mê các công trình do người Pháp xây dựng ở Hà Nội?
- Giống như cuộc sống, kiến trúc ở Hà Nội rất đa dạng. Tôi cảm nhận thành phố này pha trộn nhiều phong cách, nổi bật là kiến trúc cổ điển Pháp và Đông Dương. Nhưng điểm đặc biệt là kiến trúc Hà Nội rất riêng, không giống bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngay từ khi tới đây, những công trình người Pháp xây cũng không hoàn toàn theo phong cách Pháp mà pha lẫn cả chi tiết, yếu tố bản địa.
Khi nhận nhiệm vụ trùng tu căn biệt thự ở 49 Trần Hưng Đạo, chúng tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và hiểu ra nhiều điều về kiến trúc cổ điển ở đây. Nó không giống những gì chúng tôi nghĩ.
Ví dụ ở Pháp, bếp luôn đặt trong nhà, nhưng ở Việt Nam lại được thiết kế bên ngoài hoặc trong vườn. Ở nước tôi, cửa sổ được làm bằng vật liệu chắc chắn, kín đáo để tránh gió lạnh. Nhưng ở Việt Nam, cửa sổ được thiết kế nhiều khoảng hở để tận dụng gió tự nhiên làm mát căn nhà.
Một điểm thú vị nữa, các bức tường gạch màu đỏ quanh biệt thự hoàn toàn là gạch giả, được làm bằng vữa, vải và sơn. Đây là kiểu thiết kế khá lạ lẫm và tôi rất ít thấy ở Pháp. Khi trùng tu căn biệt thự, chúng tôi cũng cố gắng để tái tạo cách thi công này.
- Điều gì đã khiến một kiến trúc sư người Pháp như ông đến sống và làm việc tại Hà Nội hơn một thập kỷ?
- Tôi đến với nghề kiến trúc vì thích hội họa. Nhưng càng học, tôi nhận ra kiến trúc rất khác so với những gì tôi tưởng tượng. Không phải chỉ là vẽ ngôi nhà hay cái cây mà còn phải kết hợp làm sao cho ngôi nhà và cái cây hài hòa trong một thành phố. Là kiến trúc sư bạn phải hiểu về kỹ thuật, xây dựng, tuân theo nhiều quy định để đảm bảo công trình tốt nhất, trong đó có cả yếu tố lịch sử, địa lý.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi dành nhiều thời gian cho các dự án quy hoạch đô thị. Chính phủ Pháp và Việt Nam phối hợp trong một số dự án quy hoạch và kiến trúc đô thị. Những năm cuối thế kỷ 20, Hà Nội đẩy mạnh công tác quy hoạch và đề nghị chuyên gia Pháp như chúng tôi hỗ trợ.
Đến nay, tôi đã gắn bó với Hà Nội được 12 năm. Tôi thích sự đa dạng văn hóa ở đây, cảm nhận được sự gần gũi và tương đồng của hai nền văn hóa Pháp - Việt. Vợ và các con tôi đều yêu cuộc sống ở Hà Nội. Con người ở đây rất dễ chịu, cởi mở với người nước ngoài.
Điều tôi thích là những thứ rất nhỏ nhặt như thưởng thức một ly cà phê ngoài vỉa hè, hay lúc tôi cùng con rong ruổi khắp các con phố trên xe máy. Những điều như thế tôi khó có thể làm ở Pháp.
Cách đây 5 năm, tôi được đề nghị một công việc ở Bangkok, Thái Lan. Tôi đã rất hào hứng và dự định đưa cả gia đình sang đó. Nhưng mọi việc không thành. Điều thú vị là cả gia đình đều mừng, không phải chuyển đến Bangkok vì cả nhà sẽ rất tiếc nuối nếu phải rời nơi đây.
Sơn Hà