Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Franck Muller – Bậc thầy của những cơ chế phức tạp

Thứ hai, 24/01/2022 | 11:51
[G-News24/7] -

Điều phi thường về Franck Muller đó là ông là nghệ nhân độc lập đầu tiên bứt phá trong thế giới đồng hồ ở thời điểm mà thế giới đang dần du nhập làn sóng công nghệ hóa và hiện đại hóa – quãng thời gian mà ngành công nghiệp đồng hồ cơ học đang phải đấu tranh với khủng hoảng Quartz. Trong suốt thập niên 70s, thế giới đồng hồ Thụy Sỹ dường như mất đi tiếng nói của mình khi những chiếc đồng hồ chạy pin đang được sản xuất hàng loạt, vừa có sự tiện lợi, vừa có sự chính xác rất cao. Trong khoảng thời gian khó khăn đó, cậu thiếu niên Franck Muller quyết định nhập học trường L’Ecole d’Horlogerie deGenève, hay còn gọi là Trường đào tạo chế tác đồng hồ Geneva lúc 15 tuổi. Đây là điểm khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của một thiên tài về đồng hồ, một người vượt ra ngoài khái niệm của những nghệ nhân để trở thành một tên tuổi lớn, một nhà giải trí, một tài năng xuất chúng của thế giới.

Nghệ nhân độc lập huyền thoại Phillipe Dufour đã từng nói rằng, “Nếu không có Franck Muller, ngành chế tác đồng hồ không thể nào trở nên phổ biển trong xã hội như ngày nay.” Michel Parmigiani, một nghệ nhân huyền thoại khác thì cho rằng, “Franck có lẽ là một trong những tài năng xuất chúng nhất đã từng động tay vào những chiếc đồng hồ!”.

Cùng nhìn lại sự nghiệp lẫy lừng của Franck Muller – người được mệnh danh là “Bậc thầy của những cỗ máy phức tạp” qua 5 cột mốc – 5 chiếc đồng hồ siêu phức tạp do ông chế tác dưới đây.

1978 – Rolex và Franck Muller

Với khiếu thiên bẩm, Franck Muller tốt nghiệp trường đào tạo Geneva với chương trình học được rút ngắn và tấm bằng xuất sắc khi mới 19 tuổi. Món quà ngày tốt nghiệp dành cho Franck Muller là một chiếc Rolex Datejust. Franck kể lại, “Phần thưởng mà tôi nhận được khi trở thành sinh viên xuất sắc nhất trường là một chiếc Rolex. Tôi đã nghiên cứu nhiều về Rolex, và đây là thương hiệu xuất sắc bậc nhất cả về giá trị lẫn công năng. Tuy nhiên sau một thời gian đeo, tôi cảm thấy nó quá đơn điệu với mình”. Vậy là Franck Muller bằng những kỹ thuật học được trong 4 năm đã biến chiếc Rolex Datejust 3 kim tinh giản thành một chiếc đồng hồ lịch van niên, trong đó có cả một bộ số được thiết kế theo cơ chế retrograde (thay vì số vòng tròn, kim đồng hồ sẽ trở về vị trí ban đầu sau khi đi hết chu kỳ trên một đường thẳng hoặc cong).

Để làm được điều này, Franck Muller phải tính toán sao để thay đổi cơ chế Datejust sẵn có bằng bộ lịch vạn niên retrograde mà không hề ảnh hưởng tới kích cỡ của bộ truyền động và tỉ lệ giữa lớp vỏ. Và hãy nhớ rằng, ở thời điểm năm 1978, khái niệm về đồng hồ đeo tay lịch vạn niên retrograde là chưa hề tồn tại, có nghĩa rằng chiếc Rolex độc bản này là chiếc đầu tiên trong lịch sử. Sau đó, Franck Muller đã thiết kế riêng một mặt số mới và kí tên “Rolex và Franck Muller” để thể hiện sự tôn trọng với Rolex. Franck gửi sáng tạo của mình đến Rolex với nguyện vọng muốn được làm riêng dòng này cho thương hiệu, tuy nhiên, dù rất tôn trọng nỗ lực của Franck nhưng Rolex đã từ chối chiếc Datejust bởi nó không phù hợp với triết lý tinh giản và bền bỉ của thương hiệu. Vì cần tiền để tiếp tục phát triển giấc mơ của mình, Franck Muller đem bán chiếc đồng hồ này cho một quý ông tên Francis Meyer, con trai của một nhà sưu tập đồng hồ bỏ túi rất nổi tiếng với giá 10,000 Franc Thụy Sỹ. Chiếc đồng hồ này sau đó đạt kỉ lục đồng hồ bằng thép đắt nhất lúc bấy giờ, bởi hai năm sau một nhà phân phối người Ý tại Monaco đã mua lại nó với giá 400,000 Francs. Đây chính là bước khởi đầu cho sự nghiệp của Franck Muller.

1986 – Franck Geneve Chronometre Tourbillon tại World Premiere 1986

Sau đó Franck Muller làm việc tại bảo tàng Patek Phillipe, nơi ông được tiếp xúc với những chiếc đồng hồ quan trọng và đẹp nhất trong lịch sử. Đây cũng là thời điểm mà Franck Muller bắt đầu dành sự chú ý đặc biệt tới Tourbillon.

“Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi có cơ hội được phục chế những chiếc đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn vô cùng nổi tiếng cho nhà đấu giá Antiquorum, và sau đó còn cả những bảo tàng lớn nữa. Cũng trong thời gian này, tôi nhận ra rằng hầu hết những chiếc đồng hồ đến từ những nhà sưu tập lớn gửi tới đây đều là Tourbillon” – Franck Muller kể lại.

Đến năm 1984, cậu sinh viên mới tốt nghiệp ngày nào giờ đây đã cứng cáp và dày dặn kinh nghiệm hơn, đã bỏ ra hàng nghìn giờ tập trung nghiên cứu để trình làng chiếc đồng hồ đầu tiên mang tên chính mình – một chiếc Tourbillon. Và đó không chỉ là chiếc Tourbillon đầu tiên của Franck Muller, mà còn là chiếc Tourbillon đầu tiên trên thế giới có thể được chiêm ngưỡng rõ rệt từ phía mặt trước của đồng hồ, và được tích hợp với cơ chế jumping hours – điều mà cho tới tận ngày nay vẫn còn rất ít thương hiệu có thể làm được.

Ông kể lại, “Khi lần đầu tiên chế tạo đồng hồ Tourbillon, tôi nghĩ mình sẽ làm một việc khác hẳn so với những thứ chúng ta thường thấy ở đồng hồ bỏ túi. Tôi quyết định đưa Tourbillon lên mặt trước, bởi vì dù sao đó cũng chính là lý do mà người ta quyết định mua chiếc đồng hồ phải không? Tourbillon là một “kì quan” về kỹ thuật, vậy tại sao lại không biến nó thành nhân vật chính? Có như vậy thì những ai mua Tourbillon của tôi có thể dễ dàng thể hiện với bạn bè rằng đây là một chiếc đồng hồ tinh xảo và đắt tiền.” Năm 1986, chiếc đồng hồ lần đầu tiên được trình làng với thế giới tại một sự kiện mà Franck gọi là “World Premiere”. Ông tin rằng sự nghiệp của mình sẽ gắn liền với những chiếc đồng hồ gây sứng sốt, được coi là kì quan cơ học, và “World Premiere” được tạo ra để thỏa mãn ước muốn này của Franck Muller.

1992 – Superbia Humanitatis và Calibre 92

Superbia Humanitatis là một chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị, đã từng qua tay chế tác bởi ba trong số những nghệ nhân nổi tiếng trong lịch sử đồng hồ: Louis-Elisée Piguet, Franck Muller và Paul Gerber. “Superbia Humanitatis” có nghĩa là “Niềm tự hào của nhân loại”, ban đầu là một trong ba chiếc đồng hồ bỏ túi siêu phức tạp dành cho nữ giới được chế tạo bởi nghệ nhân Louis-Elisée Piguet năm 1892. Nguyên bản của Superbia Humanitatis là chiếc đồng hồ có tính năng điểm chuông định kì tích hợp điểm chuông kích hoạt, kèm theo cơ chế im lặng, được cấu tạo từ 491 chi tiết – 1 con số rất ấn tượng ở thời điểm được ra mắt. Chính xác vào 100 năm sau, chiếc đồng hồ này xuất hiện tại Baselworld 1992, dưới bàn tay của một phù thủy cơ học – không ai khác chính là Franck Muller. Ông đã mua lại chiếc đồng hồ này tại phiên đấu giá của Antiquorum năm 1989 và đã thuyết phục nhà sưu tập nổi danh Willy Ernst Sturzenegger tài trợ cho công cuộc phục chế và cải biến tuyệt tác này của mình.

Kể từ sau chiếc Tourbillon Franck Geneve đầu tiên, “World Premiere” của Franck Muller ngày một nổi tiếng, lần lượt là Tourbillon Minute Repeater đầu tiên, Tourbillon Split-Second Chronograph đầu tiên, rồi tới Tourbillon Split-Second Chronograph lịch vạn niên đầu tiên trên thế giới. Năm 1992 là một năm lớn với Franck Muller, bởi ông chính thức thành lập thương hiệu của mình và đại bản doanh Watchland, do vậy Franck cần một “cú hit” lớn, siêu phực tạp, một cú hit như Superbia Humanitatis để gây ấn tượng với thế giới. Franck Muller đã bổ sung vào sáng tạo của ông Piguet nhiều kỹ thuật ấn tượng: tích hợp lịch vạn niên moonphase, kim hệ 24h, nhiệt kế phong cách retrograde và gọi cỗ máy này là Calibre 92. Calibre 92 được cấu tạo từ 651 chi tiết, tất cả nằm gọn trong lớp vỏ platinum 39mm và cộng thêm mặt số được thiết kế mới hoàn toàn kí tên Franck Muller. Calibre 92 của Franck Muller lúc ấy đã gây shock toàn thế giới đồng hồ, được coi là một trong những thiết kế phức tạp nhất từ trước tới nay. Sau này chiếc đồng hồ được nghệ nhân Paul Gerber cải tiến thêm và trở nên phức tạp hơn nữa.

2009 – Aeternitas Mega 4

Có thể nói rằng sau khi đã chinh phục hầu hết các kĩ thuật chế tác đồng hồ, và lần lượt cho ra mắt tại các kì World Premiere những cỗ máy siêu phức tạp từ Tourbillon, lịch vạn niên, thậm chí kết hợp các cơ chế thuộc hàng tứ đại phức tạp với nhau thì Franck Muller cùng với người cộng sự là Pierre-Michel Golay đã nghĩ tới một thử thách có phần “siêu thực”: muốn kết hợp toàn bộ những cơ chế được biết cho tới ngày hôm nay vào trong một chiếc đồng hồ duy nhất. 36 cơ chế đồng hồ, trong đó có 25 cơ chế được thể hiện hữu hình trên mặt số, được cấu tạo từ 1483 chi tiết, gây shock với cơ chế lịch vạn niên chính xác tới 1000 năm – Aeternitas Mega 4 giống như một giấc mơ, một ý tưởng xa vời mà chỉ có một nghệ nhân đầy chất “ngông” như Franck Muller mới có thể biến thành hiện thực.

Chiếc Aeternitas Mega 4 mất tới 5 năm để thực hiện, và tất nhiên cũng có một mức giá vô cùng xứng đáng: 2,7 triệu đô. Đây là chiếc đồng hồ nắm giữ kỉ lục thế giới về số lượng cơ chế tích hợp trong một lớp vỏ duy nhất. Bộ truyền động của Aeternitas – series đồng hồ lịch vạn niên của Franck Muller được đặt làm nền, và đáng kể nhất là nghệ thuật chế tác đồng hồ tinh xảo với tính năng điểm chuông định kì theo hợp âm Westminster (Aeternitas Mega 4 là chiếc sử dụng hợp âm Westminster duy nhất có Tourbillon lộ thiên). Việc kết hợp cả bốn cơ chế thuộc tứ đại phức tạp trong ngành đồng hồ: Tourbillon, điểm chuông, lịch vạn niên và split-second chronograph là điều vô cùng hiếm có trong lịch sử trước đây và kể cả trong tương lai, chưa kể tới hơn 30 cơ chế khác được tích hợp, và chưa bao giờ thế giới đồng hồ phải thán phục mệnh danh “Bậc thầy của những cỗ máy phức tạp” đến vậy.

2011 – Giga Tourbillon

Chiếc đồng hồ Tourbillon đã chính thức đưa Franck Muller tới ngôi vua của cơ chế siêu Tourbillon siêu phức tạp trong thế giới đương thời chính là Giga Tourbillon – chiếc đồng hồ có cỗ máy Tourbillon lớn nhất thế giới. Giga Tourbillon được ví như “Tượng thần Mặt Trời của Genthod”, cái tên biến tấu từ một trong bảy kì quan thế giới “tượng thần Mặt Trời của Rhodes” – bức tượng đựng dựng lên trong khoảng 300 năm trước công nguyên. Sau khi ba vị tướng vĩ đại nhất của Alexander Đại đế là Ptolemy, Seleucus và Antigous không thể nào hạ bệ được đảo Rhodes trong hơn một năm trời, bức tượng này được dựng để tôn vinh sự bất khuất của đảo Rhodes, Hy Lạp. Cái tên “Tượng thần Mặt Trời của Genthod” (Genthod là nơi tọa lạc đại bản doanh của Franck Muller) chính là cột mốc cho sự đột phá và những thành tựu về kỹ thuật chế tác của nghệ nhân độc lập thành công nhất trong lịch sử thời bấy giờ.

Vậy cái tên Giga Tourbillon có ý nghĩa gì? Toàn bộ phần dưới của mặt đồng hồ được choán bởi một cỗ máy tourbillon có chiếc lồng lớn tới 20mm đường kính – một kỉ lục khó có thể bị phá vỡ. Vận hành dưới chiếc lồng này là bánh xe cân bằng khổng lồ với đường kính 16mm. Nhưng để làm được điều này là cả một công trình nghiên cứu phức tạp về cấu tạo bên trong chiếc đồng hồ. Muốn có được cỗ máy Tourbillon chiếm tới một nửa mặt số, toàn bộ các chi tiết cấu thành phải đạt được độ nhẹ tuyệt đối, do vậy phần lồng Tourbillon phải được làm từ titanium. Trong khi đó, bánh xe cân bằng lại phải đủ lớn và đủ nặng để đảm bảo quán tính cho Tourbillon, xong lại phải vô cùng mỏng để đáp ứng được cấu trúc chung, và giải pháp là chất liệu Bronze Barium nhưng được vát siêu mỏng. Jean-Pierre Golay – người nghệ nhân gạo cội dẫn đầu nhà máy của Franck Muller chia sẻ rằng: “chúng tôi thực sự đã chạm tới giới hạn của kỹ thuật, bởi cả những công nghệ khoa học tân tiến nhất bây giờ cũng không thể làm ra một cỗ máy tourbillon lớn hơn như này”. Từ việc tái cơ cấu bánh xe cân bằng, tính toán và sử dụng vật liệu để làm nhẹ trọng lượng, mọi thứ đều vượt xa những điều chúng ta biết về đồng hồ thời bấy giờ.

Nguồn: Tổng hợp

g-news247