Hội thảo do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức nhằm cung cấp một diễn đàn học thuật để thực hiện hóa tầm nhìn về sự thống nhất các vấn đề quốc tế thông qua khoa học, hướng đến chung sống hòa bình.
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo, thành viên của Đoàn công tác Quốc hội; bộ ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Trung ương và Tỉnh ủy Bình Định cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Ảnh: ICISE
Hội thảo còn có sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp Liên minh Nghị viện Thế giới, Nhóm công tác IPU về Khoa học và Công nghệ (WGST), Ủy ban IPU về các vấn đề Trung Đông; Viện Kinh tế và Hòa bình; Ban chỉ đạo năm Quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững cùng các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học thế giới… và 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đại diện của 18 quốc gia trên thế giới tham dự.
Các đại biểu quốc tế, trong nước chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, mối quan tâm về nước là vấn đề chung toàn cầu. An ninh nguồn nước là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn mà nhân loại phải đối mặt hiện nay. Hiện, có 1/3 số quốc gia đang bị thiếu nước và dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại sự kiện
Tại Việt Nam, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho trên 100 triệu dân là 1 thách thức lớn khi đất nước đang phát triển ở mức thu nhập trung bình. Việc thiếu nước chủ yếu tập trung do các nguyên nhân, như: xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình thiên tai; ô nhiễm nguồn nước; khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý chưa cao…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Phía Nghị viện toàn cầu, IPU cũng đã phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.
GS Trần Thanh Vân trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại sự kiện. Ảnh: ICISE
Qua hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn các nhà khoa học, nghị sĩ trẻ và các đại biểu nỗ lực chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu nhằm tìm ra được giải pháp, tháo gỡ thách thức chung của thế giới trong an ninh nguồn nước.
Hội thảo diễn ra từ 11 đến ngày 13-9-2023 với 9 phiên thảo luận chuyên sâu, gồm: khoa học và chính trị; các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; thực hành lập pháp điển hình; ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước…
GS Trần Thanh Vân chào hỏi các đại diện quốc tế tại hội thảo. Ảnh: ICISE
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết, vừa qua giới khoa học của Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022 – 2023 là năm quốc tế khoa học cơ bản để phục vụ phát triển bền vững, một kiến nghị mà Liên hợp quốc đã công bố, ủng hộ từ cuối năm 2021.
Theo GS Trần Thanh Vân, Việt Nam hiện cũng là thành viên sáng lập của kiến nghị “Thập niên Khoa học 2024 – 2034” để phục vụ phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 25-8-2023.
NGỌC OAI