Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) thành dự án nhà ở xã hội.
Việc chuyển đổi này xuất phát từ đề nghị của chính chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Him Lam.
Dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2, quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư, trong đó có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Him Lam được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tháng 2/2020, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đồng ý chủ trương chuyển toàn bộ phần nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư trong dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội có văn bản báo cáo UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Cổ phần Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.
Tháng 12/2021, Công ty Cổ phần Him Lam có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội. Theo đó, hơn 3.200 căn nhà ở thương mại, 504 căn nhà ở tái định cư của dự án được đề xuất chuyển đổi thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở của người thu nhập thấp sống tại Hà Nội.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Him Lam cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, bối cảnh đề nghị chuyển hàng nghìn căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần Him Lam diễn ra khi thời gian giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng không ngừng.
Theo Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội nửa đầu 2023 của Savills - tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Anh Quốc có văn phòng tại Việt Nam, quý II/2023, giá bán sơ cấp căn hộ trung bình tại thị trường Hà Nội đạt 53 triệu/m2, tăng 1% theo quý và 17% theo năm. Giá này đã tăng trong 18 quý liên tiếp và cao hơn 73% so với quý I/2019.
Trong đề xuất gửi tới Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn sau năm 2020 rất lớn, lên tới khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,21 triệu m2 sàn nhà ở.
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án nhà ở Him Lam Phúc Lợi phù hợp với việc chuyển đổi dự án và đúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Như vậy, nếu việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội được chấp thuận, Hà Nội sẽ có thêm gần 3.800 căn nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời đảm bảo khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, căn hộ nhà ở xã hội phải được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn khép kín, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội, bán, cho thuê, thuê mua đúng đối tượng.
Hà Nội sẽ có thêm 8 dự án nhà ở xã hội Ngọc Châm