Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Giáo sư Mỹ hiến kế giúp Việt Nam giàu mạnh

Thứ hai, 25/09/2023 | 11:36
[G-News24/7] -

Sáng 21/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ ba trường đại học Harvard, Columbia, Yale với chủ đề: "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động".

Nhắc lại chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden ngày 10-11/9 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ nói đó là dấu mốc lịch sử, nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng, trọng tâm và động lực; hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá. Vì vậy, Thủ tướng mong được các chuyên gia tư vấn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

img4304-1695320328472288813552-1405-1695342639.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mrJqZV-UiLVDWfZfyjyXPg

GS David Dapice, Kinh tế trưởng, Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy. Ảnh: Nhật Bắc

GS David Dapice, Kinh tế trưởng, Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy đánh giá nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên thời gian tới sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ khó khăn của kinh tế thế giới. Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tự cường khi nền kinh tế có nhiều điểm sáng nhưng cũng không ít khó khăn.

Để nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế, tiến lên những vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng và sản xuất, GS. Shang Jin-Wei, Đại học Columbia, cho rằng Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao với kỹ năng tốt. Cùng với đó, thể chế cần hoàn thiện; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao; bảo đảm cung ứng năng lượng; đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; tăng cường mạng lưới an sinh xã hội.

Tỷ phú gốc Việt Chính Chu đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tương lai tươi sáng với vị thế thuận lợi. Ông nói đây là lúc Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình phát triển, tăng cường hợp tác với Mỹ trong những ngành có giá trị cao như công nghệ, bán dẫn; thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng. "Việt Nam nên thiết lập các quỹ đầu tư tương tự như mô hình Temasek của Singapore", chuyên gia này góp ý.

Còn theo GS Nguyễn Thị Liên Hằng, Đại học Columbia, Việt Nam đứng trước cơ hội để trở thành một nước mạnh ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Muốn vậy, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách đổi mới giáo trình, cách dạy.

"Tôi muốn ngày càng có nhiều hơn sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Columbia. Vì chương trình hợp tác với Việt Nam của đại học này là một trong những chương trình hay nhất mà tôi được biết", bà nói.

img4318-1695320873829177526399-6234-3816-1695342639.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=djfVcVfMgxldwb65XIfVNw

Thủ tướng cảm ơn ý kiến của các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao các ý kiến đề xuất của chuyên gia về thứ tự ưu tiên trong chính sách của Việt Nam như các ngành mới nổi, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; tập trung phát triển hạ tầng. Đó là bước đi phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi và phù hợp với xu thế thời đại, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Thủ tướng thống nhất yếu tố con người là quyết định. Do đó, Chính phủ sẽ tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương thức và nội dung đào tạo phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn.

Ông cũng đồng tình rằng Việt Nam cần có giải pháp tổ chức sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng, đáp ứng điều kiện và tận dụng tối đa những lợi thế, đặc biệt là những tiềm năng, lợi thế về nguồn lực con người. Đó là dân số trẻ, cần cù, ham hiểu biết, cởi mở, lắng nghe, có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực toán học, công nghệ thông tin. "Việt Nam sẽ không tách rời xu thế thế giới để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng chia sẻ Việt Nam xác định lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, gồm nguồn tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực.

Lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến trao đổi để tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng trong chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực. Ông mong thời gian tới sẽ có dịp tiếp tục trao đổi chuyên sâu với các chuyên gia về từng nội dung trong các đối thoại chính sách, nghiên cứu chuyên đề để tiếp tục phục vụ thiết thực và hiệu quả cho quá trình phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng hy vọng tiếp tục nhận được hỗ trợ, chung tay của Đại học Harvard, Đại học Columbia và các cơ sở giáo dục khác của Mỹ, nhất là về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách. Đây là một nội hàm rất quan trọng của Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt - Mỹ.

Hơn một năm trước, tại Boston, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các giáo sư, chuyên gia kinh tế Harvard cũng thảo luận về chủ đề xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trong chuyến công tác tại Mỹ ngày 17-23/9, qua ba thành phố San Francisco, Washington và New York để dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương.

Hoàng Thùy

g-news247