Lễ tang GS Trần Hồng Quân được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp cao. Lễ viếng từ 11h ngày 27/8 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp).
GS Trần Hồng Quân quê xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII; nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương.
Ông từng là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1961. Năm 1975, ông làm trưởng khoa Cơ khí tại Đại học Bách khoa TP HCM và trở thành hiệu trưởng từ năm 1976 đến 1982.
Từ năm 1987, ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, ông thành lập và làm Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2005-2021, sau đó là Chủ tịch hội đồng cố vấn đến nay.
Hơn 30 năm là cộng sự thân thiết, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói GS Trần Hồng Quân đã dành cả đời để cống hiến cho giáo dục, luôn trăn trở phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
"Đây là mất mát không thể bù đắp với Hiệp hội và nỗi buồn rất lớn với những người làm giáo dục như chúng tôi", PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
GS Quân đã đưa những chính sách thay đổi rất căn cơ, tạo nên chuyển biến đột phá với giáo dục đất nước, theo đánh giá của ông Nhĩ.
Trước hết phải kể đến chương trình xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và phân cấp các trường sư phạm. Mỗi tỉnh có một trường cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên từ mầm non đến THCS, trong khi các trường đại học đào tạo giáo viên THPT và bậc cao hơn.
"Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, thành tựu phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở miền núi được đánh giá là bông hoa đẹp nhất của giáo dục phổ thông Việt Nam", ông Nhĩ nói.
PGS Nhĩ cho biết ngay khi làm Bộ trưởng, GS Quân đặc biệt ủng hộ xu hướng mở trường đại học ngoài công lập. Với sự ủng hộ đó, năm 1988, Đại học Thăng Long là trường ngoài công lập đầu tiên được thành lập do bà Hoàng Xuân Sính làm hiệu trưởng. Sau đó, hàng loạt trường đại học tư thục khác ra đời như Duy Tân, Bình Dương, Hải Phòng.
"Thầy Quân quan niệm đại học công lập và ngoài công lập như đôi cánh của một chú chim nên bên nào cũng cần được chú trọng phát triển", PGS Nhĩ nhớ lại.
GS Trần Hồng Quân đã đưa ra 4 tiền đề đổi mới, giúp giáo dục đại học tiếp cận cơ chế thị trường, xã hội hóa.
Đó là các trường đại học vừa tuyển sinh theo chỉ tiêu nhà nước giao, vừa mở rộng để phục vụ xã hội nhằm khai thác hết công suất. Trường được thu học phí theo quy định của nhà nước. Học phí và các khoảng thu nhập chính đáng được trường tự chủ sử dụng minh bạch mà không phải nhập vào ngân sách.
Thứ ba, quỹ học bổng của nhà nước thay vì chỉ cấp cho sinh viên diện chính sách sẽ có thêm phần cho học bổng khuyến khích học tập. Cuối cùng, Bộ công khai phân bổ ngân sách cho các trường, xóa bỏ phần dự trữ của Bộ thường được dùng theo cơ chế xin - cho.
GS Quân cũng khuyến khích các trường đại học chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, học phần. Ngoài ra, Bộ chủ trương từng bước mở rộng phân cấp quản lý, tiến tới các trường tự quản.
Một cải cách chấn động do GS Quân đưa ra, theo PGS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TP HCM, là chính sách bầu cử hiệu trưởng ở tất cả trường đại học vào năm 1989. Tất cả giảng viên, nhân viên, đại diện sinh viên đều được tham gia bầu hiệu trưởng. Giảng viên, nhân viên làm việc trên 5 năm được tính mỗi người một lá phiếu, dưới 5 năm được tính là nửa phiếu. Đại diện sinh viên được chia một tỷ lệ phiếu nhất định.
Mỗi trường thường có bốn ứng viên, lần lượt thuyết minh, trao đổi với từng khoa về quan điểm, chính sách giáo dục, quản lý của mình để giành phiếu bầu. PGS Tống đánh giá những hiệu trưởng được bầu vào thời điểm đó đều rất xuất sắc trong chuyên môn và quản trị. Chính sách bầu cử hiệu trưởng của GS Quân tạo ra không khí hồ hởi, dân chủ, thúc đẩy phát triển ở các trường đại học, rất tiếc sau đó không được tiếp tục.
"Có thể nói GS Quân là người đưa ra nhiều chính sách quan trọng, thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học để các trường có được hình hài như hiện nay", PGS Tống nói.
Lệ Nguyễn