Phóng viên: Thưa ông, vì sao việc gỡ “thẻ vàng” bị kéo dài đến 6 năm, kể từ ngày EC rút “thẻ vàng” đến nay?
Ông NGUYỄN QUANG HÙNG: Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên chủ yếu là do trình độ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; một số lực lượng chức năng, địa phương chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU; có cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về IUU.
Chúng ta cũng phải thừa nhận, tổ chức bộ máy quản lý ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương, việc đầu tư, bố trí nhân lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng nghề cá để quản lý hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, trong khi đội tàu cá hiện có tương đối lớn so với các nước trong khu vực.
Ví dụ, để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Thái Lan đã kiện toàn lại tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương, thành lập mới 31 trung tâm, tăng số lượng từ 14 lên 24 đầu mối với gần 4.000 cán bộ… Thái Lan chỉ có khoảng 30.000 tàu cá, bằng khoảng 1/3 so với Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành các khuyến nghị của EC như thế nào?
Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase; ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, tạm dừng cho phép hoán cải tàu cá có chiều dài dưới 15m thành tàu có chiều dài trên 15m; rà soát và xem xét điều chỉnh giảm hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng xác thực với số tàu cá hiện có của địa phương, phù hợp với quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
Theo Phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VnFishbase, tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép. Trong đó, bộ đang xem xét điều chỉnh hạn ngạch vùng khơi từ 31.297 giấy phép xuống 29.489 giấy phép; vùng lộng là 17.899 giấy phép; vùng ven bờ là 34.929 giấy phép.
Thưa ông, Bộ NN-PTNT đã theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển ra sao?
Tính đến nay, cơ quan chức năng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài trên 15m đạt 28.797/29.489 tàu, chiếm 97,65%. Các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là tàu đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn tiếp diễn.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 11-8 đã xảy ra 26 tàu/166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Tình trạng tàu cá không cập cảng chỉ định theo quy định vẫn diễn ra như ở tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Hiện mới chỉ có 13 tỉnh thành lập kiểm ngư địa phương. Đáng chú ý là, phía EC khẳng định không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này!
Bên cạnh đó, các địa phương cho rằng, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại. Cụ thể, nhật ký khai thác thủy sản qua kiểm tra hầu hết là hồi ký, ghi không đúng, không đầy đủ mẻ lưới, không ghi loài...
Hệ thống điện tử chưa triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để theo dõi, giám sát công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại địa phương nhằm đảm bảo liên thông từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Với những tồn tại như vậy, Việt Nam cần thực hiện giải pháp nào để giải quyết dứt điểm?
Thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong đợt kiểm tra tới của EC, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính Phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện, bằng mọi biện pháp yêu cầu chủ tàu cá bật thiết bị giám sát hành trình khi tham gia khai thác hải sản. Tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc...
Theo Luật Thủy sản, việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm, mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy môi trường sống của các loài thủy sản, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến hệ sinh thái thủy sinh là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản. Theo Bộ luật Hình sự, tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản có mức phạt từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
THANH HẢI thực hiện