Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Gỡ khó xuất khẩu nhờ ước tính được sản lượng dừa nguyên liệu

Thứ tư, 20/09/2023 | 01:08
[G-News24/7] -

(KTSG) – Một doanh nghiệp ở Bến Tre đã gỡ được cái khó của nhà xuất khẩu dừa uống nước, như không đủ số lượng yêu cầu, trái không đồng đều, chất lượng không ổn định… nhờ chủ động được vùng dừa nguyên liệu.

  • Dừa Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ
  • Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ‘ì ạch’ đưa hàng hoá xuất khẩu trực tiếp
Gọt vỏ xanh quả dừa xuất khẩu. Ảnh: Lư Thế Nhã

Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây MeKong (Công ty Mekong) được thành lập vào năm 2015 ở xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre nhắm đến con đường xuất khẩu dừa tươi ra nước ngoài. Khi đó, ông Bùi Dương Thuật giám đốc Công ty Mekong cũng mới chỉ chân ướt chân ráo tới Bến Tre, biết nơi đây trồng nhiều dừa, dễ thu mua nhưng không biết nơi nào có chuyên canh dừa xiêm và tỉnh Bến Tre vẫn chưa có chỉ dẫn địa lý về vùng trồng dừa xiêm.

Khao khát vùng dừa nguyên liệu

Thời gian đầu, Mekong mua dừa qua thương lái. Việc nhận nguyên liệu dừa qua trung gian này được lợi là không phải đi xa tìm kiếm nguồn dừa nhưng điểm bất lợi thì… đủ đầy. Chất lượng trái dừa không đồng đều do thương lái đưa về nhà máy lẫn lộn dừa non, dừa nạo, cứng cạy… Độ tuổi trái dừa đưa về nhà máy cũng không đồng nhất khiến việc phân loại dừa thêm mất nhiều thời gian mà không bảo đảm chất lượng, dẫn đến chất lượng lô hàng xuất khẩu không đạt yêu cầu. Hơn ai hết, ông Bùi Dương Thuật hiểu rằng chỉ khi được chủ động về vùng nguyên liệu dừa thì Mekong mới có thể chủ động được về số lượng, chất lượng nguồn hàng xuất khẩu.

Năm 2016, thông qua các hội nông dân tỉnh, huyện, xã ở Bến Tre, công ty mời nông dân hợp đồng liên kết tiêu thụ dừa uống nước. Mekong ký hợp đồng trực tiếp với nhà vườn, ghi nhận số cây dừa xiêm trồng trên đất của nhà vườn, cụ thể dừa xiêm gì, bao nhiêu cây, từ đó tính ra diện tích nhà vườn hợp đồng liên kết bán dừa cho Mekong. Thường với 1 héc ta dừa xiêm thường có 250-300 cây, tùy theo cách trồng thưa dày với khoảng cách 5- 6 mét/cây/bờ dừa.

Cùng với nhà vườn, Mekong tham gia vào việc quản lý cây dừa trong vườn, chia theo tuổi của từng cây dừa, loại dừa. Ví dụ, cây dừa mới cho trái hay cây cho trái ổn định mỗi năm sẽ cho bao nhiêu quầy dừa; vườn có bao nhiêu cây dừa lai có thể mua được, cây nào để giống… khi nào đến lứa dừa nạo… Tất cả số liệu về cây dừa đều được Mekong ghi chép trên máy tính và lưu trữ làm dữ liệu vùng dừa nguyên liệu. Bằng cách này, Mekong biết được vườn của ông A, ông B có bao nhiêu cây dừa, sản lượng bao nhiêu, thời gian thu hoạch dừa.

Ông Bùi Dương Thuật cho biết cách ước tính sản lượng dừa dựa trên tổng số cây dừa trồng này cho ra các số liệu chính xác hơn vì có thể tính được sản lượng dừa thu hoạch của từng cây, vườn dừa, từ đó Mekong biết được liệu mình có đủ số lượng cho bao nhiêu đơn hàng.

Lâu nay, nhà vườn hay doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu dừa thường ước lượng sản lượng thu hoạch dựa trên diện tích trồng nên dễ gặp cảnh “ước tính nhiều, thực tế không bao nhiêu”. Doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng không gom đủ lượng dừa cần thiết cho đơn hàng xuất khẩu đã ký.

Đôi bên cùng có lợi

Nhà vườn có hợp đồng với Mekong sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mekong trả giá cao hơn cho nhà vườn với dừa đúng kích cỡ cung ứng cho thị trường xuất khẩu và giá thấp hơn đối với loại trái nhỏ (dành tiêu thụ thị trường trong nước) nhưng giá cũng không thấp hơn giá mua của thương lái. Năm nay, ở thời điểm dừa vào mùa vụ trái nhiều, thương lái mua 30.000-40.000 đồng/chục (12 trái), Mekong mua từ 45.000-85.000 đồng/chục.

“Với trái dừa uống nước quá nhỏ, thương lái thường loại, bỏ lại cho nhà vườn, Mekong vẫn mua với giá 20.000 đồng/chục, tiêu thụ thị trường trong nước. Dừa thu hoạch xong, Mekong trả ngay bằng tiền mặt. Hợp đồng liên kết tiêu thụ dừa uống nước, nhà vườn ký với Mekong mỗi năm một lần. Ông Nguyễn Minh Dũng, một nhà vườn ở ấp Bình An, xã Tường Đa, huyện Châu Thành có 1,2 héc ta dừa xiêm đỏ ký hợp đồng với Mekong, nói.

Để hỗ trợ nhà trồng dừa xiêm có hợp đồng, Mekong lập ra nhóm liên lạc qua Zalo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gửi các thông báo thời điểm đóng cống khi nước mặn sắp xâm nhập vườn dừa. Khi có dịch hại, sâu bệnh trên cây dừa, Mekong nhờ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Khuyến nông của tỉnh cung cấp tài liệu phòng trừ và chuyển qua mạng zalo cho các nhà vườn có hợp đồng bán dừa cho Mekong.

Với phương thức hợp đồng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi: nhà vườn bán dừa được giá cao, Mekong chủ động được nguồn hàng. Hiện nay Mekong đã có 150 héc ta ở huyện Giồng Trôm và Châu Thành chuyên về dừa xiêm nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Thuật cho biết hiện tại danh sách nhà vườn đăng ký hợp đồng bán dừa cho Mekong rất dài, Mekong sẽ hợp đồng theo thứ tự và cân đối theo nhu cầu xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Âu, châu Á, Úc và từng xuất khẩu sang Mỹ.

Việt Nam hiện có 188.000 héc ta trồng dừa, chiếm 1,67% diện tích dừa thế giới, 2,07 diện tích dừa châu Á. Dừa Việt Nam được trồng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, như Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Bến Tre là thủ phủ dừa với 78,195 héc ta (tính đến tháng 5-2023) trong đó có 15.865 héc ta dừa uống nước.

Chú trọng chất lượng

Để giữ thị trường xuất khẩu ổn định, Mekong luôn chú trọng chất lượng, dừa vận chuyển xa bảo quản được lâu. Trái dừa khi thu hoạch phải đủ chuẩn: đúng ngày tháng, cơm dừa nạo có lớp ngoài mềm, lớp sát gáo cứng hơn. Mekong cũng chủ động với đội ngũ nhân công thu hoạch dừa tại vườn theo lịch thu hoạch và đưa thẳng trái về nhà máy nên tránh được sự thất thoát cũng như bảo đảm chất lượng trái dừa.

Dừa thu hoạch đưa về nhà máy gọt tách loại bỏ 75% (ba phần tư) vỏ bên ngoài, phần xơ dừa còn lại được phủ lớp bao bì chống va chạm và dán nhãn hiệu công ty. Quy trình tiêu thụ dừa trong nước và xuất khẩu đều được bảo quản lạnh, giữ được chất lượng dừa tươi 100 ngày. Qua chín năm hoạt động kinh doanh, Mekong đã xuất khẩu được dừa tươi sang các thị trường Canada, Anh, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đức, Cộng hòa Séc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Úc và đã có lần xuất khẩu sang Mỹ bằng tàu biển.

Cũng theo Mekong, tùy loại dừa xiêm mà độ ngọt có khác nhau, dừa xiêm đỏ trồng ở huyện Châu Thành ngọt hơn dừa xiêm xanh. Dừa xiêm đỏ từ bảy năm tuổi trở lên trái ổn định cho hơn 200 trái/năm. Mekong đã xuất nhiều chuyến hàng dừa xiêm đỏ, được thị trường chấp nhận.

Ông Phạm Nhựt Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Đa, Châu Thành cho biết loại xiêm đỏ cho nhiều nước, rất ngọt và bán chạy nên ở xã Tường Đa đâu đâu cũng thấy vườn trồng dừa xiêm đỏ. Địa phương này đã hình thành vùng chuyên canh dừa xiêm đỏ đến 230 héc ta.

Nói về triển vọng xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ông Bùi Dương Thuật nói: Thông qua liên kết tiêu thụ, nhà vườn đã tin tưởng gắn bó với Mekong, khi thị trường Mỹ, Trung Quốc mở cửa, Mekong sẽ mở rộng liên kết vùng trồng, hỗ trợ nhà vườn kiến thức kỹ thuật canh tác dừa uống nước theo hướng chất lượng cao, giữ thị trường xuất khẩu ổn định, không theo lợi nhuận trước mắt, đánh mất thị trường. Mekong đã nhận đơn hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch 5 container (20 ngàn trái) sang thị trường Mỹ.

Ngày 8-8-2023, Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý mở cửa thị trường cho quả dừa tươi Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào Mỹ sau khi có kết quả phân tích mối nguy cơ dịch hại đối với quả dừa tươi có một phần vỏ nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.

Hai bên đã khẳng định không có sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo đường hàng hóa và xác định rằng nguy cơ lây lan sinh vật gây hại ở quả dừa tươi sau khi loại bỏ ba phần tư vỏ xanh bên ngoài là không đáng kể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch quả dừa tươi Việt Nam sang thị trường này, dự kiến thời gian có kết quả là vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

g-news247