Thứ sáu, 02 tháng 05 năm 2025

24 0C

Hà Nội

'Gọi trả bài bất chợt là nỗi sợ ám ảnh đời học sinh'

Chủ nhật, 17/09/2023 | 14:26
[G-News24/7] -

"Mặc dù là một học sinh chăm ngoan nhưng mỗi lần thầy cô vào tiết dạy và gọi lên bảng đọc trả bài cũ là tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.

Áp lực vô cùng khi thầy cô chơi trò ú òa, lúc thì tra tên từ trên xuống dưới, lúc lại từ dưới lên trên, lúc lại gọi từ giữa danh sách và khi thì giọng lại kéo dài những cái tên độc lạ mà chẳng thể vui nổi trong lòng.

Hãy để cho học sinh có được 'mỗi ngày đến lớp là một ngày vui' chứ không phải là một nỗi sợ sệt vô hình ám ảnh cả một tuổi thơ đến trường"

Độc giả có nickname nhatletran24 bình luận sau thông tin TP HCM đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài bất chợt. Việc giáo viên gọi học sinh kiểm tra miệng, trả bài bất chợt vào đầu tiết học khiến các em áp lực, sợ sệt, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.

Sau bài viết, nhiều độc giả VnExpress nêu ý kiến xung quanh vấn đề này.

Đồng quan điểm trên, độc giả có nickname Angela Chinhle nói:

"Lẽ ra nên bỏ việc kiểm tra bài đầu giờ từ rất lâu rồi. Kiểm tra đầu giờ gây lo sợ cho học sinh. Nếu học sinh được điểm kém cộng với việc giáo viên mắng, thì cả buổi học đó tâm lý học sinh sẽ bị nặng nề.

Có nhiều lý do để học sinh không thuộc bài cũ. Nhưng liệu kiến thức đó có thực sự cần phải thuộc vẹt hay không? Điều quan trọng là học sinh biết ứng dụng kiến thức đó hay không mà thôi. Có nhiều phương pháp để kiểm tra hay đánh giá mà không ảnh hưởng đến tâm lý một buổi học của học sinh".

Bạn đọc có nickname rongbien8332010 lấy ví dụ: "Nếu bạn hiểu vấn đề thì bạn có thể áp dụng, còn bạn không hiểu mà bắt bạn học thuộc câu từ mà không hiểu thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Vấn nạn học thuộc lòng theo tôi nghĩ không còn phù hợp nữa mà hãy dạy cho học sinh hiểu vấn đề. Tôi thấy đa phần thầy cô vẫn còn bắt học thuộc. Học thuộc thì điểm mới tuyệt đối, chứ hiểu mà đọc không đúng câu từ thì xem là không thuộc bài...

Tôi khẳng định là học hiểu sẽ giúp ích cho cuộc sống sau này, còn học thuộc lòng thì sẽ khó mang lại sự sáng tạo và lợi ích sau này".

Độc giả Người Dân Việt: "Quả thật, việc kiểm tra bài cũ (dò bài) gây rất nhiều áp lực cho học sinh, tạo tâm lý sợ sệt, học để đối phó mà tác dụng của nó thì không nhiều.

Vấn đề dạy và học là làm sao giáo viên truyền đạt kiến thức và học sinh tiếp thu kiến thức ngay tại lớp học. Để làm được điều này thì tiết học phải thật sự thoải mái, sau khi giảng lý thuyết thì giáo viên cần chia nhóm để dạy thực hành, tạo những câu hỏi mở để các em trao đổi và đáp trả... Nói chung có nhiều cách và cách kiểm tra bài cũ đầu giờ học hôm sau nên bỏ".

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, nhiều độc giả cho rằng không kiểm tra đầu giờ bất chợt, nhiều học sinh sẽ lười học bài cũ:

Độc giả Minh Nguyễn nói: "Học sinh với tinh thần tự giác kém mà không có biện pháp hạn chế thì làm sao học hành? Làm sao có thể dạy bài mới trong khi bài cũ học sinh không học, không hiểu.

Tôi nghĩ áp dụng phương thức kiểm tra bài cũ theo bài viết trên cũng được nếu như cuối năm giáo viên đánh giá công tâm, các em không hoàn thành sản phẩm bài học, thực hành, thí nghiệm không đạt, đều rớt hết.

Các em trong độ tuổi ăn học có rất nhiều cám dỗ, nên nếu không có biện pháp để ràng buộc thì làm sao có thể hướng các em đi đúng được?".

Độc giả Quenhetroi cùng ý kiến: "Không kiểm tra thì học sinh lười học bài cũ ngay, vì không phải bạn nào cũng thích học, mà tâm lý thích chơi. Cấp 1, 2 là kiến thức cơ bản. Ví dụ như bảng cửu chương là thuộc lòng, học vẹt. Nhưng nếu không thuộc lòng cái này, thì khi học toán sẽ không học được. Mà chỉ cần một học kỳ không nắm được kiến thức, học sinh sẽ bị tụt lùi không theo tiếp chương trình".

Độc giả Lang Thang nói: "Kiểm tra miệng nhằm mục đích để các em nắm bắt kiến thức bài vở cũ và cũng để các em tư duy rèn luyện trong học tập. Đi học mà không hiểu bài cũ không nắm bắt được chủ đề thì làm sao giảng bài mới học sinh hiểu?

Tôi là giáo viên, rất nâng niu các em không làm các em bị áp lực thì tôi thường nói: Hôm nay kiểm tra hai bạn bạn nào học bài rồi xung phong tôi gọi nếu cả lớp ko ai xung phong thì sẽ gọi theo sổ. Hoặc, trong khi giảng bài mới nếu học sinh nào nhanh trí trả lời được câu hỏi nêu ra trong lúc giảng bài thì cũng được đánh giá cho điểm".

Ở phía trung dung hai giải pháp, độc giả Nguyễn Hải Giang nói:

"Việc giáo viên kiểm tra bài cũ đối với học sinh là việc nên làm để học sinh ý thức việc học, cũng cố kiến thức sau khi về nhà. Nhưng hình thức kiểm tra thì nên thay đổi chứ đừng làm học sinh căng cứng, nơm nớp lo sợ khi thầy cô cầm cây bút rà vào sổ để chọn một em bất kỳ nào đó...".

Độc giả bui Louis: "Tôi thấy ý kiến không kiểm tra bài bất chợt cũng hợp lý và văn minh.

Nhưng câu hỏi phản biện nhỏ là: Nếu việc gọi trả bài như vậy với việc không trả bài như vậy thì lợi ích mỗi cái khác nhau thế nào? Cái nào có lợi hơn? Nếu không trả bài như cách cũ thì học lực các học sinh có kém hơn không?

Mọi thứ nên thực nghiệm, ví dụ: Sử dụng 2 lớp 1 lớp vẫn cách trả bài cũ đầu giờ còn 1 lớp thì không làm thế nữa vậy sau 1 năm (gồm 2 học kỳ) thì điểm số lớp nào sẽ cao hơn hay là vẫn bằng nhau?".

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

g-news247