Đường sắt đô thị sẽ thay đổi văn hóa giao thông
Hà Nội xem xét điều chỉnh đầu tư một số tuyến đường và công trình trọng điểm
Hà Nội: Nhiều bất cập về biển báo giao thông
Ngày 8-9, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phối hợp với Sở GT-VT Hà Nội tổ chức hội thảo “Giao thông đô thị TP Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nêu rõ, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng, có quá trình phát triển hàng ngàn năm. Tính từ hòa bình được lập lại (năm 1954) đến nay, TP Hà Nội đã qua 4 lần điều chỉnh địa giới với biến động về dân số, 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (trong đó đều có quy hoạch, định hướng về giao thông vận tải) nên luôn là thách thức về phát triển, công tác quản lý nói chung và giao thông nói riêng. Thời gian qua, nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã được thành phố đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, TP Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3, 5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, tiếp tục xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2, 5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị.
Nhiều công trình giao thông quan trọng tại nội thành Hà Nội được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng thời gian qua
Tuy nhiên, thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội còn nhiều bất cập, nhiều tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch. Hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.
Các đại biểu và chuyên gia tham dự hội thảo
Theo Sở GT-VT Hà Nội, hiện nay, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó 1,1 triệu xe ôtô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. Cùng với đó, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị chỉ đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của Quy hoạch là từ 20 - 26%), tỷ lệ tăng bình quân hàng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Trong khi tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm.
Giao thông đô thị tại Hà Nội đang chịu rất nhiều áp lực do lượng phương tiện tăng rất nhanh hàng năm
Trước thực trạng trên, tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đã trao đổi, phân tích làm rõ về công tác quy hoạch, quản lý chất lượng, đồng bộ hạ tầng; công tác phát triển giao thông đô thị, bài toán giảm thiểu tai nạn, đề án hạn chế phương tiện, giảm ùn tắc giao thông; công tác quản lý chất lượng công trình, đầu tư phát triển giao thông tĩnh, điều hành, đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng, tổ chức giao thông tại các bến xe ô tô, bãi đỗ xe, điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhà ga, các tuyến đường bộ; phát triển vận tải hành khách công cộng; quản lý bến xe, điểm đỗ xe taxi, điểm đón, trả khách theo quy hoạch, quản lý hoạt động vận tải hành khách; công tác thanh tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông đô thị.
QUỐC LẬP