Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Hành chính hóa khai giảng

Thứ sáu, 08/09/2023 | 08:14
[G-News24/7] -

Con bé đã háo hức cả tuần qua, chỉ mong đến hôm nay để kể cho lũ bạn nghe chúng đã làm gì suốt hai tháng xa cách. Mỗi khối lớp được bố trí giờ tựu trường lệch nhau để hiệu trưởng có thể đứng chào từng đứa học trò và để từng gia đình có thể nhìn con mình được giáo viên chào đón vào năm học mới. Dù không có khẩu hiệu về việc "Toàn dân đưa trẻ đến trường", hầu như gia đình nào cũng cắt cử người đồng hành cùng con. Khi một điệu nhạc sinh động vang lên từ chiếc kèn saxophone của một phụ huynh, các bé nhún nhảy nối đuôi nhau cùng giáo viên vào lớp. Tất cả diễn ra trong chưa đầy mười phút trước khi các con bắt đầu năm học mới.

Tâm trạng của con gái tôi - sống ở trời Tây vào thế kỷ 21 - không khác gì miêu tả của nhà văn Thanh Tịnh hơn 100 năm trước ở làng quê ven sông Hương. Nhà văn Thanh Tịnh được nhắc rất nhiều mỗi mùa tựu trường với áng văn bất hủ của ông: "Tôi đi học" - miêu tả cảm xúc của một đứa trẻ với đủ những tâm trạng từ lo lắng đến háo hức cho ngày đầu đến trường.

Khai giảng là ngày mong chờ nhất của con tôi từ bao ngày qua. Thế nhưng, ba của nó, thuở nhỏ không có cảm xúc trọn vẹn ấy. Nhớ lại thời tiểu học vào ngày khai giảng, bọn học sinh chúng tôi áo quần chỉnh tề mồ hôi nhễ nhại vì phơi nắng dưới sân trường, không biết bao giờ mới bắt đầu buổi lễ. Do lãnh đạo địa phương chưa đến, tất cả giáo viên lẫn học sinh đều phải chờ đợi. Bọn trẻ con lúc đó chỉ vui vào ngày gặp gỡ đầu năm từ trước khai giảng cả tuần, còn buổi lễ này giống như sự miễn cưỡng người lớn dành cho chúng tôi.

Khi lên trung học, vì là trường chuyên thành phố, năm nào chúng tôi cũng chào đón các lãnh đạo về dự khai giảng. Càng có nhiều lãnh đạo, học sinh chúng tôi càng mệt mỏi vì các bài diễn văn và những lời "kính thưa". Nhiều khi tôi chợt nghĩ, tại sao học sinh lại phải làm khán giả cho một sự kiện mà các em mới là nhân vật chính? Điều này lặp lại theo năm tháng, và ngày càng theo hướng chuyên nghiệp hóa với "công nghệ khai giảng". Để chuẩn bị, học sinh và giáo viên phải luyện tập tới lui từ nhiều ngày trước đó.

Vào mùa khai giảng năm nay, các tỉnh miền Trung đã có chỉ đạo về việc lãnh đạo tỉnh đến thăm các trường sẽ không đọc diễn văn hay đánh trống khai giảng. Thông tin này khiến tôi tràn ngập cảm xúc lẫn lộn. Tôi vui mừng vì các em sẽ nghe ít diễn văn hơn. Các diễn văn chỉ đạo chỉ nên xuất hiện trong phạm vi cuộc họp của ban ngành liên quan. Với học sinh, lời dặn của thầy cô là quan trọng nhất. Ngoài ra, đánh trống khai giảng là một đặc quyền, là sự uy nghiêm, là hồi lệnh của hiệu trưởng với học sinh của mình. Với truyền thống "tôn sư trọng đạo", điều này là tất yếu. Nhưng nhiều năm nay, không ít lãnh đạo các cấp đã cho phép vai trò hành chính của mình cao hơn vai trò người thầy đầu trường.

Học sinh, cũng là trẻ em, vốn dĩ trong sáng và ngây thơ. Để phát triển những đứa trẻ, kiến thức khoa học không phải là điều kiện tiên quyết. Người lớn trước hết cần phải gìn giữ và nuôi dưỡng những cảm xúc thật đẹp cho trẻ. Ngày đầu tiên đến trường chắc hẳn là ngày có nhiều cảm xúc nhất, tại sao không biến nó thành ngày đáng nhớ nhất của năm học?

Võ Nhật Vinh

g-news247