Đây là sự kiện lớn của “Ngôi nhà thể thao” châu Á, được xem như thước đo cho sự phát triển và lớn mạnh của các nền thể thao châu lục. Một “thang điểm” hoàn toàn khác so với sân chơi SEA Games, nơi mà có thể ngay trước khi thi đấu chúng ta vẫn có thể dự báo được gần chính xác số lượng huy chương.
Vì vậy, ngay cả khi thể thao Việt Nam dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, thì không thể cho rằng chúng ta đủ khả năng dẫn đầu thể thao Đông Nam Á tại Asiad 19. Tính chất và trình độ của các cuộc tranh chấp thành tích của Asiad 19 khác hẳn so với SEA Games. Yếu tố chuyên sâu, thế mạnh của từng đoàn thể thao được thể hiện rõ nét tại Asiad vì có rất nhiều môn, đoạt HCV Asiad cũng gần như là HCV Olympic và rất đáng tiếc, chúng ta không sở hữu nhiều môn thế mạnh ấy để tranh chấp HCV với các đồng nghiệp châu Á như thể thao Thái Lan (quyền Anh, cầu lông, cầu mây, cử tạ, bóng chuyền, taekwondo), Singapore (bơi lội, bóng bàn), Malaysia (cầu lông, thể dục dụng cụ, điền kinh, nhảy cầu, dance sports, karate), Indonesia (điền kinh, cử tạ, bắn súng, cầu lông, quyền Anh, karate).
Kể từ lần đầu đoạt HCV Asiad với môn taekwondo do công võ sĩ Trần Quang Hạ ở Hiroshima 1994 đến nay, kỳ đại hội nào thể thao Việt Nam cũng có HCV và tăng dần tổng số huy chương cũng như số lượng môn thi đấu. Nhưng gần như mỗi kỳ là một nhà vô địch ở các nội dung khác nhau, tính ổn định về thành tích không có, chỉ tiêu huy chương đặt ra cũng khiêm tốn và mang yếu tố dự báo nhiều hơn. Tại Asiad 19 này, nhiều môn quan trọng của thể thao Việt Nam như điền kinh, bắn súng, bơi lội, xe đạp, cầu lông… đang trong thời điểm chuyển giao lực lượng, vẫn cần thêm thời gian và động lực để chạm đến đẳng cấp châu Á cũng như thế giới.
Asiad 19 vì thế, là một đại hội châu Á rất khó khăn đối với thể thao Việt Nam, không chỉ vì triển vọng thành tích mà còn là những thách thức mà ngành thể thao phải đối mặt, nhận diện cũng như đưa ra các tiêu chuẩn mới. Nói cách khác, mục tiêu quan trọng nhất của Asiad 19 đối với chúng ta không phải là đoạt bao nhiêu huy chương, mà là phải đánh giá một cách chuẩn xác nhất thực lực hiện tại, phân tích một cách tổng quát nhất nguồn nhân lực cũng như mức độ đầu tư của mình trong tương quan của “Ngôi nhà thể thao châu Á”.
Sau Asiad sẽ là Olympic Paris 2024 và 3 năm nữa sẽ là kỳ Asiad 20, trong khoảng thời gian đó chỉ có duy nhất một kỳ SEA Games 2025, nên toàn bộ chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam buộc phải tập trung cho việc nâng cấp trình độ VĐV lên tầm châu lục chứ không phải bận tâm vào ngôi đầu Đông Nam Á.
Nói cách khác, cần đặt ra tư duy châu Á, tư duy Asiad làm trọng tâm cho sự phát triển của thể thao nước nhà. Phải có tư duy ấy, thì mới nói đến chuyện đầu tư cho cơ sở vật chất ở tầm mức nào mới hiệu quả, trang thiết bị tập luyện ra sao, đi tập huấn ở đâu, thuê HLV bao nhiêu tiền và cả khâu dinh dưỡng, chiến lược đào tạo. Để thắng HCV SEA Games không khó, nhưng ổn định thành tích, hoặc dự báo chính xác số huy chương tại Asiad với nhiều môn thế mạnh thì quá trình ấy sẽ gấp rất nhiều lần.
Nhưng chúng ta không còn chọn lựa nào khác. Chiến thắng chính mình đã khó, vượt qua các giới hạn của mình còn khó hơn nhiều. Chào mừng thể thao Việt Nam đến Asiad 19 với những kỳ vọng lớn và tầm nhìn xa.
ĐĂNG LINH