Ngày 12-9, tại TPHCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến các nội dung của Hiệp ước Marrakesh, với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị xuất bản, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội dành cho người khuyết tật, thư viện, trường học…
Tính đến ngày 20-6, Hiệp ước Marrakesh có 93 thành viên, chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6-3-2023. Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 đã có quy định ở Điều 25a, về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm Quyền Tác giả dành cho người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được thực hiện sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm xuyên biên giới dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
Quang cảnh hội nghị
Ngoài tạo điều kiện để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận xuất bản phẩm theo cách thông thường, Hiệp ước Marrakesh còn tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ bản quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung. Hiệp ước quy định ngoại lệ cho phép tạo các bản sao dễ tiếp cận cho người khuyết tật nhìn và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường.
Ngoài ra, Hiệp ước Marrakesh quy định ngoại lệ cho phép phân phối định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật để đọc theo cách thông thường. Việc phân phối bản sao bao gồm truyền dẫn kỹ thuật số.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại hội nghị
Hiệp ước Marrakesh quy định cho phép tổ chức được ủy quyền xuất khẩu các bản sao dễ tiếp cận cho người thụ hưởng hoặc tổ chức được ủy quyền khác, không yêu cầu giới hạn xuất khẩu trong các trường hợp không có định dạng dễ tiếp cận dưới hình thức thương mại. Hiệp ước cũng quy định cho phép các tổ chức được ủy quyền hoặc người thụ hưởng nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận. Quy định này sẽ cho phép những người sử dụng chung ngôn ngữ được hưởng lợi từ các bản sao dễ tiếp cận hiện có ở các quốc gia khác.
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã giới thiệu nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh, các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung của Nghị định 17/2023/NĐ-CP, trong đó có các quy định về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật; thực trạng về nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn tài liệu cho người khuyết tật; kinh nghiệm quốc tế về quy định ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành
ThS Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu về thực trạng tiếp cận xuất bản chữ in của người khuyết tật tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những con số đáng chú ý. Cụ thể: 58,7% người khuyết tật tham gia khảo sát không có khả năng đọc những văn bản in thông thường; 55% không có khả năng đọc chữ in khổ lớn; 64,2% có khả năng "rất dễ dàng" nghe, đọc, xem các bản ghi âm/sách nói và 44% có khả năng tương tự đối với sách/tài liệu bằng chữ nổi Braille.
Cùng với đó, 94,6% người khuyết tật có nhu cầu tiếp cận xuất bản phẩm ở định dạng ghi âm/sách nói; 86,9% ở định dạng chữ nổi Braille. Văn bản in thông thường và chữ in khổ lớn là hai định dạng mà người khuyết tật không có nhu cầu tiếp cận lớn nhất, lần lượt là 58% và 53,6%.
Bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ tại hội nghị
Từ thực trạng trên, theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh và các đơn vị trong nước cùng nhau hợp tác thực hiện sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng người khuyết tật trong tiếp cận tác phẩm với nguồn đa dạng, phong phú hơn.
Bà Kim Oanh đưa ra dự báo: số lượng người khuyết tật nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập niên tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ tăng số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in.
“Bởi vậy, việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu... càng trở nên quan trọng ở Việt Nam nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng”, bà Kim Oanh nhấn mạnh.
HỒ SƠN