Việt Nam - Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Trong bối cảnh đó, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023” nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022. Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ ngày 13-15/9/2023 tại tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2022 vừa qua, nền kinh tế - xã hội đang phải đối mặt với những biến động nhanh, khó lường, lạm phát đã tăng lên mức cao do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 và tình hình bất ổn trên thế giới, tạo thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã có sự phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.
Cụ thể, năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và đạt kết ủa rất tích cực (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo). Kim ngạch xuất, nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, đạt 730,28 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD giúp Việt Nam đạt xuất siêu 20,19 tỷ USD. Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.
“Để đạt được những thành tích nổi bật đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cùng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế
Tại sự kiện, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Trong 8 tháng đầu năm 2023 tình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,8% so với cùng kỳ, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu TP. Hồ Chí Minh lại sụt giảm so với cùng kỳ, 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 63,75 tỷ USD tỷ USD, giảm 16,8%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 27,54 tỷ USD, tương ứng giảm 15,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 36,21 tỷ USD, tương ứng giảm 17,3% so với cùng kỳ.
“TP. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, để góp phần phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững, cần phải tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và có tính cạnh tranh, đồng thời cũng cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.” - Ông Võ Văn Hoan nhận định.
UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023” do Bộ Công Thương tổ chức với mục đích thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
“Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế, từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với các đối tác trong và ngoài nước, quảng bá các sản phẩm Việt Nam có chất lượng và thương hiệu uy tín, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023.” - Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết thêm, TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công Thương trong các hoạt động liên kết, tổ chức các diễn đàn xuất khẩu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo đó, Thành phố giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Vụ thị trường Châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế. Đồng thời nghiên cứu và tìm hiểu các khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, khả năng và năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế. Từ đó, tham mưu đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế.
Bên cạnh đó, tập trung tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm và các thị trường mới, tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA,...
Tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn ở các nước, đồng thời chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế và trong nước, xem đây là một kênh kênh phân phối giúp ở rộng thị trường xuất khẩu hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nắm bắt nhanh nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, tập trung triển khai các chương trình, khoá đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao kỹ năng hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tư do để mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và tiêu dùng bền vững.
“TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm và sẽ giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố nghiên cứu, chủ động phối hợp với các cục, vụ - Bộ Công Thương và các đơn vị xúc tiến, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu thiết thực, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.” ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Khai mạc Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023" Huyền My