Kết quả kinh doanh của Hoá chất Cơ bản miền Nam đã tạo đáy
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Hoá chất Cơ bản miền Nam (mã cổ phiếu CSV - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt giảm 28% và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả kinh doanh trong quý 2/2023 cũng tiếp tục xu hướng giảm so với quý 1/2023 với doanh thu và lãi ròng lần lượt giảm 8,6% và 21,6%. Nguyên nhân chủ yếu do giá bán của hầu hết các sản phẩm hoá chất của doanh nghiệp này đã giảm mạnh so với cùng kỳ do mức nền so sánh cao và nhu cầu sụt giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân NAOH giảm 20%, HCL giảm 37%, H2SO4 giảm 48%.
Đồng thời, sản lượng tiêu thụ Xút và các dẫn xuất cũng kém tích cực do nhu cầu chung hạ nguồn sụt giảm như ngành thực phẩm, tẩy rửa công nghiệp, xử lý nước, Phốt pho vàng (P4)... Cụ thể, NAOH giảm 11%, HCL giảm 31%, H2SO4 giảm 54%, H3PO4 giảm 34%.... Sản lượng giảm sâu làm giảm tính hiệu quả kinh tế của Hoá chất Cơ bản miền Nam. Bên cạnh đó, việc giá điện tăng cũng bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Hoá chất Cơ bản miền Nam có thể đã tạo đáy trong quý 2 và bắt đầu phục hồi kể từ quý 3/2023 khi thị trường hoá chất đang có các tín hiệu tích cực. Cụ thể, giá Xút và các dẫn xuất trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu hồi phục tốt trước bối cảnh các ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu hồi phục. Điều này sẽ thúc đẩy giá Xút trên thị trường nội địa Việt Nam tăng lên trong bối cảnh lượng Xút nhập khẩu chiếm đến 40% - 50% tổng nhu cầu sử dụng nội địa hàng năm của nước ta.
Nhu cầu sử dụng Xút và các dẫn xuất tại Trung Quốc, nước sản xuất Xút lớn nhất thế giới, hiện được dự báo sẽ hồi phục rõ rệt sau một thời gian dài sụt giảm mạnh khi nước này tung ra các chính sách kích thích kinh tế.
Trong tháng 8 vừa qua, chỉ số PMI Caixin của nước này đã đạt 51,7 điểm - vượt kỳ vọng và cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp đã được mở rộng trở lại. Sản lượng của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều Xút như: nhôm, thép, dệt may… đều tăng lên. Nhu cầu hồi phục đang hỗ trợ cho đà tăng của giá Xút tại Trung Quốc.
Xem thêm: "Hoá chất Đức Giang: Nhu cầu phốt pho sẽ tăng đột biến, cổ phiếu DGC lên đỉnh 10 tháng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá Xút và các dẫn xuất có thể quay về vùng giá cao hồi năm 2021
Trong khi nhu cầu tăng lên, nguồn cung Xút tại Trung Quốc lại đang đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng thiếu điện để sản xuất (đặc biệt là thuỷ điện) tại các trung tâm sản xuất Xút lớn nhất nước này, như: Vân Nam và Tứ Xuyên. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia nhập khẩu Xút lớn nhất từ Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu thụ Xút trên thị trường nội địa Việt Nam cũng được nhận định sẽ hồi phục tốt kể từ quý 4/2023 trong bối cảnh các ngành sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng tích cực trở lại, nhất là các ngành thép, dệt may, và thực phẩm.
Theo đánh giá mới nhất của Vietcombank Securites, giá Xút (32%) của Trung Quốc trong năm 2024 có thể hồi phục lại vùng giá 900 - 1.000 Nhân dân tệ/tấn - mức trung bình cao của hai năm 2021 - 2022. Điều này cũng kéo theo các sản phẩm dẫn xuất có triển vọng tăng giá từ 15-20% trong thời gian tới, giúp cải thiện tích cực triển vọng kinh doanh của Hoá chất Cơ bản miền Nam.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/9, cổ phiếu CSV tăng 3,5% lên 38.900 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu CSV đã tăng hơn 40%.
Hoá chất Cơ bản miền Nam là một trong những doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu 3 nhà máy và dây chuyển sản xuất hiện đại. Sản phẩm của Công ty chủ yếu được tiêu thụ nội địa, tập trung các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, Hoá chất Cơ bản miền Nam là doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất Xút và các dẫn xuất hiện đại nhất hiện nay với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 40.000 tấn Xút/năm. So với các đối thủ khác thì doanh nghiệp này đang có lợi thế về định mức tiêu hao 2 nguyên nhiên liệu đầu vào chính - muối công nghiệp và điện (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm).
Thị phần các sản phẩm hóa chất cơ bản của Hoá chất Cơ bản miền Nam như NaOH lỏng chiếm khoảng 25%, HCl chiếm khoảng 50%, Silicat chiếm 30%, PAC chiếm 20%, H2SO4 chiếm 50%, Al(OH)3 chiếm 30%.
PV Trans (PVT) hưởng “trái ngọt” từ chiến lược tích cực trẻ hoá đội tàu và giá cước tàu dầu neo cao Duy Quang