Xung quanh câu chuyện học phí đại học bị nhiều người than thở rằng quá cao, tôi cho rằng cần nhìn nhận một cách khách quan. Các thông tin về học phí, phụ phí đều được nhà trường công khai hoặc có nhiều diễn đàn tư vấn trực tuyến trên Facebook, Zalo, email, điện thoại để học sinh tham khảo, tìm hiểu, nên không thể nói là cố tình làm khó sinh viên.
Cũng giống như khi các em đi du học cũng phải tìm hiểu về trường, mức học phí, chi phí sinh hoạt ở thành phố nơi mình sẽ sang học. Vậy tại sao ở Việt Nam các em và gia đình lại không tìm hiểu trước khi đăng ký? Chúng ta đang quen được bao cấp, quen học phí rẻ, chưa quen phải tự có trách nhiệm với các lựa chọn của mình nên khi không đúng ý thì phàn nàn, than trách nhà trường.
Ở đây, các nhà trường bán dịch vụ đào tạo, chúng ta là khách hàng sử dụng dịch vụ, nếu không đồng ý với mức giá đưa ra thì bạn hoàn toàn có quyền chọn đơn vị cung cấp dịch vụ khác. Trừ các hệ đào tạo tiên tiến (bằng Tiếng Anh - trước đây gọi là hệ chất lượng cao), hệ liên kết (du học tại chỗ) vốn chỉ phù hợp với các sinh viên gia đình khá giả trở lên, còn các trường đại học công, hệ đại trà (tiếng Việt), học phí một năm dao động từ 16 đến 30 triệu theo tôi là không quá đắt.
Trẻ em học trường mầm non tư thục bây giờ cũng phải chi mỗi tháng tới 13 triệu đồng (cả tiền ăn). Một số trường tiểu học quốc tế cũng có mức học phí là 3.000 USD một tháng. Vậy sao các trường đó họ vẫn có học sinh và tồn tại được?
>> 'Em tôi đóng 31 triệu đồng cho một kỳ năm nhất đại học'
Học phí Đại học trong nước theo tôi là phù hợp. Các trường học phí thấp chỉ 12-18 triệu đồng một năm, Đại học Bách khoa Hà Nội 22-28 triệu đồng mỗi năm. Tính ra, sinh viên mỗi năm học 10 tháng, mỗi tháng học 22 ngày. Nếu học phí 22 triệu đồng một năm thì mỗi ngày (buổi) học 5 tiết cũng chỉ tốn 100 nghìn đồng. Chia ra mỗi tiết học là 20 nghìn đồng. Như vậy rõ ràng là mức học phí đó không cao.
Ngày xưa ít người vào được đại học không phải chất lượng đại học ngày xưa cao, mà là do ít trường, trình độ sinh viên cũng không bằng ngày nay. Bây giờ, YouTube phổ cập, kiến thức trên đó rất nhiều, các con nếu muốn có thể học lập trình ngay từ tiểu học mà không cần tới trung tâm. Trong khi ngày xưa tôi nhớ, sinh viên năm ba đại học cũng không biết bật cái máy tính (những năm 2000-2001), học lập trình toàn kiểu học thuộc, thi chép thuật toán trên giấy và thi lập trình trên máy...
Thế nên, nhìn nhận một cách khách quan, trình độ đào tạo hiện nay đã cao hơn ngày xưa nhiều. Số lượng người giỏi cũng nhiều hơn ngày trước. Nên sự cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm cũng sẽ cao hơn. Chuyện đó không nên đánh đồng với việc tăng học phí đại học mà sinh viên vẫn thất nghiệp. Thậm chí, nếu so với du học, nhiều gia đình còn đang chi trả 1,6 tỷ đồng mỗi năm (cả tiền ăn, ở) cho con du học tự túc tại Mỹ, Canada, nên học đại học ở Việt Nam vẫn là rất rẻ.
Hoàng Minh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Lương mới ra trường không đổi nhưng học phí đã tăng nhiều lần'
- Đại học đua tăng học phí nhưng dạy hời hợt
- Tăng học phí đại học - 'sinh viên phải được đánh giá chất lượng giảng viên'
- Đại học 'dễ vào, dễ ra, khó xin việc'
- 'Thợ dạy' ở đại học
- Lãng phí đại học khi bằng giỏi vẫn thất nghiệp