Thứ sáu, 22 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Hồi ký Lý Quang Diệu - câu chuyện Singapore 'hóa rồng châu Á'

Thứ ba, 26/09/2023 | 00:34
[G-News24/7] -

Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore, bộ Hồi ký Lý Quang Diệu được tái bản hai tập: Câu chuyện SingaporeTừ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất, do thủ tướng Lý Quang Diệu viết năm 1994.

Lý Quang Diệu (1923 - 2015), là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990. Trong ba thập niên, Lý Quang Diệu dẫn dắt Singapore từ một quốc gia non trẻ trở thành một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển thần kỳ.

ly-quang-dieu-1-9300-1695371392.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b2oZgcm-j5iMbCmeOaMFow

Bộ sách "Hồi ký Lý Quang Diệu" hai tập vừa được tái bản, phát hành tháng 9. Ảnh: Omega Plus

Trong bộ hồi ký, Lý Quang Diệu không chỉ thuật lại cuộc đời một lãnh đạo, sự vươn lên của một đất nước, mà còn gửi gắm nhiều suy tư, nhắn nhủ đến "thế hệ trẻ Singapore, những người cho rằng một Singapore ổn định, phát triển và thịnh vượng là hiển nhiên".

"Tôi muốn họ thấu hiểu được những khó khăn mà một nước nhỏ chỉ rộng 640 km2, không có tài nguyên thiên nhiên, phải vươn lên để tồn tại giữa những quốc gia rộng lớn hơn vừa mới độc lập", ông viết.

Tập một, Câu chuyện Singapore, xuất bản lần đầu tiên năm 1998, kể lại những ký ức của chàng sinh viên Lý Quang Diệu trong những ngày tháng du học trên đất Anh, từ câu chuyện tình yêu, gia đình đến những hoài bão tuổi trẻ. Nhiều suy tư về thời tiền chiến ở Singapore, sự chiếm đóng của Nhật Bản và những biến động, các vấn đề chủng tộc trong suốt hai năm ở Malaysia cũng được ông kể lại chi tiết. Đó là những năm quan trọng mà ông cho rằng đã định hình tính cách của mình. Tập này kết thúc ở thời điểm Singapore tuyên bố độc lập năm 1965, sau khi tách ra từ Liên bang Malaysia, cũng là lúc đánh dấu một cột mốc quan trọng đối đất nước Singapore và bản thân Lý Quang Diệu.

Trong tập hai, Từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất, Lý Quang Diệu thuật lại sự chuyển đổi của Singapore từ đất nước nghèo trở thành "Con rồng châu Á". Ông nêu ra những nỗ lực phi thường để đưa đảo quốc nhỏ bé ở Đông Nam Á trở thành cường quốc chỉ trong vòng 30 năm. Những bước đi bươn chải của một nhà lãnh đạo năng động được tả lại trong cuốn sách giúp người đọc có thêm góc nhìn về tình hình thế giới thời Chiến tranh Lạnh: Phong trào không liên kết, Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và các cường quốc ở thời điểm còn đang ẩn tàng ở hai bên bức màn sắt, về Liên minh châu Âu thời kỳ hình thành, khối Thịnh vượng chung, cùng những liên minh, hiệp ước khác.

Lý Quang Diệu thường được biết đến với hình ảnh người đàn ông lí trí, quyết đoán với những chính sách cứng rắn, người đã giữ vững vị trí lèo lái đất nước của mình trong hơn 30 năm và tiếp tục để lại nhiều ảnh hưởng cho đến cuối đời. Song, trong hai cuốn hồi ký, ông sẵn sàng bộc lộ những khía cạnh khác của mình, những suy tư đằng sau mỗi quyết định quan trọng mà khi còn ở cương vị một nhà lãnh đạo, công chúng chưa nhìn thấy.

"Tôi cũng lo sợ nhưng không biểu lộ: Nhiệm vụ của tôi là mang đến cho nhân dân niềm hy vọng, chứ không phải là làm nản lòng họ", ông nhớ lại khi Singapore bất ngờ bị tách khỏi Malaysia vào năm 1965, thời điểm ông nhìn nhận "cơ hội tồn tại là vô vọng".

ly-quang-dieu-2-7092-1695371392.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CBVNwm1lmctZjqnvqPXnvQ

Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (1923-2015). Ảnh: Straits Times

Đối với những người yêu quý Lý Quang Diệu hay ngưỡng mộ hành trình vươn lên của Singapore, việc đọc được những suy nghĩ, phân tích của ông về tình hình trong nước và quốc tế có thể đem lại nhiều bài học quý giá. Như cách ông nói, có nhiều sách dạy bạn cách xây dựng một ngôi nhà, vận hành một thiết bị, nhưng không có cuốn sách nào có thể hướng dẫn cách xây dựng một đất nước với tập hợp đa chủng tộc, hay chỉ dẫn cách tạo kế sinh nhai cho dân chúng trong một quốc gia đang đứng trước bờ vực lụi tàn.

Bất chấp những khó khăn, Lý Quang Diệu đã làm được điều đó. Tất nhiên ông không viết hồi ký để ghi lại một công thức nào, mà thay vào đó là bài học đáng quý hơn về tầm nhìn và tư cách của một nhà lãnh đạo. "Tất cả những gì mà chúng tôi có là nguồn nhân lực cần cù và chịu khó, một kết cấu hạ tầng tốt, một chính phủ lương thiện và tài giỏi... Chúng tôi phải làm việc cật lực, hoạch định và ứng biến...", ông viết.

Là một "huyền thoại Châu Á" trong thời hiện đại, hồi ký của Lý Quang Diệu được nhiều lãnh đạo trên thế giới quan tâm, từ chính trị gia cho đến các CEO. Helmut Schmidt, nguyên Thủ tướng Đức, từng nhận xét "Lý Quang Diệu đặc biệt thú vị vì đã nắm bắt được cơ cấu kinh tế và chính trị của thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ đã được hưởng lợi từ trí tuệ của ông, nhất là từ nhận định rằng Trung Quốc là một thế lực trên thế giới, và từ những phân tích cũng như giảng giải của ông về các giá trị của người châu Á". Còn James A. Baker III, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng: "hồi ký của ông, với vô vàn ví dụ về sự khôn ngoan, sắc sảo của ông, là thành tố quan trọng hé lộ câu chuyện về một quốc gia độc nhất và có tầm ảnh hưởng" (trích sách).

Ngoài những ghi chú của Lý Quang Diệu, bộ sách cũng bao gồm một số tư liệu của chính phủ chưa được công bố, là nguồn tư liệu quý cho những độc giả muốn tìm hiểu về Singapore. Cũng trong hồi ký, ông tỉ mỉ thuật lại những trải nghiệm và cảm nghĩ của mình qua thời gian dài tiếp xúc với những đất nước khác (trong đó có Việt Nam và Trung Quốc).

Trong lần tái bản này, bộ sách được thiết kế bìa mềm, kèm theo bộ postcard 10 tấm về đất nước Singapore thời thuộc địa - hiện đại, cùng phụ bản giới thiệu tiểu sử, các câu hỏi nổi tiếng, lời khen tặng, lời giới thiệu về Lý Quang Diệu và bộ sách.

Ngạn Bình

g-news247