Thứ sáu, 29 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Hơn 16.000 tỷ đồng làm 5,3 km Vành đai 2 TP HCM

Thứ năm, 14/09/2023 | 18:00
[G-News24/7] -

Kiến nghị vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM nhằm sớm hoàn thiện Vành đai 2, sau nhiều năm chưa thể khép kín. Đây là trục bao quanh nội đô thành phố với tổng chiều dài 64 km, giúp phân luồng, hạn chế xe chạy xuyên tâm và tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp. Hiện, tuyến còn khoảng 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn.

vanh-dai-2-2844-1644665489-jpe-2828-8272-1694604829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=17em_2NUw8FKHzBChI77Jg

Bốn đoạn với tổng chiều dài hơn 14 km của Vành đai 2 chưa khép kín. Đồ họa: Thanh Huyền

Riêng đoạn 4 của Vành đai 2 đi qua khu Nam thành phố được khái toán chi phí đầu tư lớn nhất với khoảng 16.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng với bề rộng 60 m ước tính gần 13.200 tỷ. Dự án cũng bao gồm xây cầu Phú Định, Ba Tơ, hầm chui qua đường Kinh Dương Vương, cầu vượt trên tuyến Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, đường song hành...

Trong bối cảnh ngân sách trung hạn 2021-2025 khó bố trí, Sở Giao thông Vận tải đề xuất chia tuyến này thành hai giai đoạn đầu tư. Theo đó, từ nay đến năm 2027 sẽ làm trước đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Linh, dài 3,4 km, kinh phí gần 9.000 tỷ đồng. Phần đền bù, giải tỏa cho đoạn này chiếm hơn 7.000 tỷ và xây cầu Phù Định, Ba Tơ, cầu vượt trên tuyến Nguyễn Văn Linh; đường song hành.

Đoạn đường trên được đánh giá quan trọng, khi hoàn thành sẽ mở thêm hướng kết nối các quận 8, Bình Tân về phía Nam thành phố thông qua cầu Phú Định. Trục này giúp giảm ùn tắc cho quốc lộ 1, tăng năng lực giao thương hàng hóa ở khu vực.

136A451C-0309-43A0-B277-7C5AD1-8821-6724-1694604829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GXBkwzkc3AHutp_jpZb1WA

Hiện trạng đoạn 3 của Vành đai 2, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang dang dở, tháng 7/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Gần hai km còn lại của đoạn 4, từ quốc lộ 1 đến đường Võ Văn Kiệt, ngành giao thông thành phố đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 7.445 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 6.100 tỷ đồng, còn lại là kinh phí xây hầm chui qua đường Kinh Dương Vương, cầu vượt trên đại lộ Võ Văn Kiệt, đường song hành.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Sở Giao thông Vận tải đề xuất thành phố cân đối vốn ngân sách bố trí cho giai đoạn đầu dự án. Trường hợp đầu tư công khó khăn, ngành giao thông thành phố kiến nghị huy động vốn bên ngoài, bao gồm cả việc nghiên cứu đầu tư bằng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Ngoài đoạn 4, ba đoạn còn lại của Vành đai 2 TP HCM đều ở TP Thủ Đức. Trong đó, đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa triển khai theo hình thức BT, nhưng đang dang dở. Đoạn 1 và 2 tổng chiều dài khoảng 6 km, kết nối từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng chưa được đầu tư.

Gia Minh

g-news247