Từ tháng 8/2012 đến 6/2021, cựu trưởng phòng CSGT đường bộ Công an An Giang - ông Nguyễn Bá Quận (61 tuổi), và 4 nguyên cán bộ cấp dưới đã "phù phép" tổng cộng hơn 5.000 biển số đẹp để cấp cho người có nhu cầu, theo cáo trạng của VKSND tỉnh An Giang. Tất cả 5 cựu CSGT bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Hoạt động của đường dây này là, ông Quận sẽ viết biển số đẹp vào giấy kẹp trong hồ sơ xe, giao cho cấp dưới thực hiện; hoặc gọi điện yêu cầu giữ biển số đẹp, chờ hồ sơ xe để chỉnh lại cho đúng. Bằng cách này, cựu trưởng phòng CSGT đã chỉ đạo cấp khoảng 50 biển số VIP cho người thân, bạn bè, người có quan hệ vay mượn tiền, lãnh đạo sở ngành và một doanh nghiệp vận tải. Trong đó, riêng con trai ông Quận được cấp 8 biển số có đuôi: 123.45, 066.66, 066.60, 068.69, 095.99, 01999...
Tương tự, ông Bùi Quốc Khánh (cựu đội trưởng đội đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ) được cấp biển 045.67 và 056.78; xin cho người nhà, bạn bè các biển: 056.78 (biển C), 77.77, cặp biển số 11.999 (biển A và C), 098.99, 122.22, 122.99.
Ông Nguyễn Hữu Ân (cựu đội phó) xin sếp 20 biển số cấp cho bản thân và người quen. Võ Chí Linh xin được ba biển số cho bản thân (088.86), hai biển khác cho em ruột và bạn học.
Cáo trạng không đề cập đến "số phận" hơn 5.000 biển số đẹp trong vụ án, song luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, những biển số xe thuộc sở hữu của các bị can, được cấp do can thiệp vào phần mềm, đương nhiên sẽ bị tịch thu, trả lại cho nhà nước theo quy định vì đây là tài sản có được do hành vi phạm tội của bị can.
Những biển số còn lại đã được các chủ sở hữu đăng ký, có thể được xem là vật chứng vụ án, sẽ bị thu giữ để phục vụ quá trình giải quyết vụ án.
Về hướng xử lý, theo luật sư Mạch, căn cứ khoản 8 Điều 23 Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định một trong các trường hợp thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số xe: xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền số máy, số khung bị cắt, hàn, đục lại, tẩy xóa hoặc cấp biển số không đúng quy định; điểm c khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015: vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Như vậy, các biển số xe đã đăng ký nhưng việc cấp biển số không đúng quy định, tức không có giá trị. Sau khi có kết luận chính thức về việc sai phạm trong quá trình cấp biển số, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền thu hồi các biển số này và cấp lại biển số theo đúng quy định pháp luật.
Theo cáo trạng, bị hại trong vụ án (những chủ phương tiện bị tráo đổi biển số đẹp) yêu cầu xử lý những cán bộ làm sai theo quy định; một số người yêu cầu được cấp lại biển số.
Về đường dây chung chi để cấp biển số, theo cáo trạng, nhóm "cò xe" gồm 7 người đã thừa nhận giới thiệu, nhận tiền của chủ phương tiện đưa cho Trần Đình Thuấn và các cán bộ Ân, Khánh.
Cơ quan điều tra tiếp cận được 50 chủ phương tiện, họ khai rằng đã chung chi 1-50 triệu đồng để được cấp biển số đẹp. Một nhóm chủ xe khác cho rằng do quen biết ông Quận nên được ưu ái. Nhóm cuối bác bỏ đã chi tiền, việc có biển đẹp là do "tự bấm hoặc nhờ người khác bấm dùm".
Cơ quan điều tra đã tách hành vi Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ thành một vụ khác.
Ngọc Tài