Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Hợp tác thúc đẩy phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam – Trung Quốc

Thứ tư, 20/09/2023 | 00:33
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Trong bản ghi nhớ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), hai bên thống nhất sẽ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và nông thôn cũng như xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

  • Nông nghiệp đang là điểm sáng của nền kinh tế
  • Thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc
Về hợp tác thông quan hàng hóa nông thủy sản, hai bên sẽ kết nối với các đơn vị chức năng để chủ động các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản song phương. Ảnh minh họa:TL

Ngày 16-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp, TTXVN đưa tin.

Bản ghi nhớ này diễn ra nhân chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc và ASEAN (CABIS) lần thứ 20.

Theo đó, hai bên thống nhất sẽ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và nông thôn cũng như xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu trong 3 năm tới là phát triển bền vững lượng thương mại nông thủy sản và đầu tư trong nông nghiệp giữa hai nước; hình thành và phát triển sáng tạo chuỗi cung ứng nông sản xuyên biên giới với sự tham gia của các doanh nghiệp hai nước.

Bản ghi nhớ có 4 nội dung chính gồm hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; hợp tác trong thông quan hàng hóa nông thủy sản; phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản; hình thành một cơ chế nhằm phục vụ doanh nghiệp và thị trường.

Về hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, hai bên chú trọng trao đổi và hợp tác trong kỹ thuật canh tác nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi, làm sâu sắc hơn hợp tác trong sản xuất và chế biến nông sản xuyên biên giới như ngành mía đường, xây dựng khu liên hợp chăn nuôi – giết mổ – chế biến gia súc gia cầm xuyên biên giới tại khu vực biên giới. Việt Nam – Trung Quốc cũng hợp tác trong nghiên cứu, khuyến khích sử dụng máy và thiết bị sản xuất nông nghiệp, khuyến khích trao đổi và áp dụng công nghệ máy nông nghiệp tại những khu vực đồi núi.

Hai bên phối hợp nâng cấp mức độ giám sát chất lượng và độ an toàn của nông thủy sản, tuân thủ quy định về các yếu tố đầu vào của nông nghiệp và kiểm soát chất lượng nông thủy sản tại nguồn; nghiên cứu cơ chế trao đổi kỹ thuật và phối hợp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cây trồng và vật nuôi; hợp tác trong việc xây dựng khu an toàn dịch bệnh động vật hay khu kiểm dịch an ninh sinh học và vùng trồng trọt sản lượng cao tại khu vực biên giới; hỗ trợ về vật tư trang thiết bị.

Về hợp tác thông quan hàng hóa nông thủy sản, hai bên sẽ kết nối với các đơn vị chức năng để chủ động các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản song phương về nông thủy sản ở cấp địa phương và cấp cục, vụ như là xuất khẩu cá tầm của Trung Quốc sang Việt Nam và xuất khẩu dừa, vải, bưởi, thủy sản và các loại nông sản khác của Việt Nam sang Trung Quốc.

Trên cơ sở điều kiện và nhu cầu tại cửa khẩu ở hai phía, hai bên nghiên cứu việc thành lập bộ phận giám sát chuyên ngành đối với động thực vật và sản phẩm động thực vật xuất nhập khẩu, đẩy mạnh thương mại nông thủy sản tương ứng; phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh việc xây dựng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ phù hợp để cải tiến khả năng thông quan.

Đối với việc phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản, hai bên chủ động xuất khẩu nông thủy sản, tổ chức các sự kiện thương mại nông sản và đầu tư nông nghiệp, tổ chức các doanh nghiệp tham gia các hoạt động giao lưu kinh tế và thương mại như gồm Triển lãm Trung Quốc – ASEAN và các hoạt động trưng bày sản phẩm; cam kết trao đổi về nguyên tắc, quy định, quản lý, các tiêu chuẩn và các khía cạnh pháp lý khác về hợp tác thương mại nông thủy sản. Hai nước tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng các chuỗi cung ứng và chuỗi ngành hàng xuyên biên giới.

g-news247