Quách Trọng Thắng, 42 tuổi, trở lại với công việc hướng dẫn viên du lịch từ những ngày đầu sau dịch và thêm một Tết nữa không có mặt bên gia đình.
"Là đàn ông đôi khi cũng không tránh khỏi tủi thân, nhưng nhiệm vụ phải hoàn thành và cũng vì mưu sinh, tôi cố gắng lấy nụ cười của khách trong mỗi tour làm động lực. May mắn tôi có một gia đình hạnh phúc, vợ con rất cảm thông", Thắng, hướng dẫn viên tiếng Anh 20 năm kinh nghiệm, nói.
Anh Thắng (áo xanh bên trái) dẫn khách nước ngoài tham quan TP HCM. Ảnh: NVCC
Tết là dịp sum họp gia đình. Nhiều đồng nghiệp không nhận tour ngày mùng 1 hoặc có thể kết thúc tour trước đó để kịp đón giao thừa cùng người thân và bắt đầu công việc lại từ mùng 3 hoặc 4 Tết.
Anh Thắng nhớ có năm một mình đi tàu từ quê vợ Nha Trang vào TP HCM, sau đó dẫn đoàn Việt Nam đi nước ngoài vào mùng 1 Tết. Tour dịp Tết thường bị tăng giá, dịch vụ không đầy đủ nên công việc của anh cũng vất vả hơn. Sau hai năm Covid-19, hướng dẫn viên phải làm lại từ đầu, xây dựng lại các mối quan hệ mới, thậm chí nhiều người đã nghỉ làm. "Còn được làm việc là còn may mắn", anh Thắng nói.
Nguyễn Minh Thiện, 39 tuổi, hướng dẫn viên nội địa 14 năm, cho biết đã nhận tour xuyên Tết nhiều năm vì không bị ràng buộc gia đình. Các công ty quen hay giữ lịch cho anh trước Tết từ 2 đến 3 tháng. Từ mùng 1 đến mùng 7 Tết năm nay, anh dẫn đoàn khách tham quan Cao Bằng - Hà Giang - Sa Pa.
Đường tour này không còn lạ với một hướng dẫn viên kinh nghiệm như Thiện nhưng tour Tết nhiều khó khăn vì dịch vụ không tốt. Người dân tộc thường không làm việc trong dịp Tết nên nhà hàng, khách sạn thiếu người. Thiện và các đồng nghiệp những lúc đó phải vào bếp phụ.
Tuy nhiên, Thiện cho hay, khách đi tour đầu năm mới luôn muốn mọi việc suôn sẻ nên rất hòa đồng và vui vẻ. Họ cũng luôn động viên hướng dẫn viên, làm anh có thêm động lực. "Tôi luôn xem khách là gia đình," Thiện nói.
Cô gái độc thân 30 tuổi, Nguyễn Ngọc Phương Trinh, cũng không gặp cản trở công việc từ phía gia đình. Nhưng nhiều lần, Trinh vẫn "thấy nao lòng" khi nhận được điện thoại từ nhà. Tết này cô đi tour Singapore - Malaysia từ mùng 1 đến mùng 5.
"Tôi muốn thử một lần ăn Tết nước ngoài xem sao", Trinh cho hay. Hai năm dịch bệnh, công việc yêu thích bị ngưng, đây là cơ hội quay lại cống hiến cho nghề.
Trinh là một hướng dẫn viên trẻ, năng động nên không ngại đi tour ngày Tết. Ảnh: NVCC
Thông thường đi tour Tết, các hướng dẫn viên sẽ được trả công tác phí cao hơn ngày thường, có thể gấp đôi. Nhưng dù như vậy, nhiều người vẫn chọn ở lại với gia đình.
Chị Ngụy Thu Hồng, 46 tuổi, hướng dẫn viên tiếng Anh 10 năm, cho biết dù công tác phí có cao đi chăng nữa chị không bao giờ nhận tour Tết vì muốn hai con có một cái Tết vui vẻ đầy đủ người thân hai bên gia đình nội ngoại. Anh Lâm Ngọc Thành, 37 tuổi, với 15 năm kinh nghiệm trong nghề cũng chia sẻ, chưa bao giờ anh nhận việc ngày Tết vì Tết nào anh cũng muốn cùng vợ lo tươm tất chuyện cúng bái trong nhà.
"Dù công tác phí cao, gia đình mới là nơi mang lại cho tôi niềm hạnh phúc thật sự. Hơn nữa, tôi đã đi tour cả năm rồi, Tết là thời gian cần nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi bước vào các tour sau Tết", anh Thành cho hay.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có gần 35.000 hướng dẫn viên được cấp phép hoạt động. Bà Nguyễn Thị Lãm Thúy, Giám đốc phòng Hướng dẫn Benthanh Tourist, cho biết trung bình 85% hướng dẫn viên chính thức của công ty có tour Tết từ mùng 1 đến mùng 10. Các cộng tác viên, nếu ở thành phố sẽ nhận tour trong khi những người ở tỉnh thường sẽ về quê, không đi làm dịp Tết để sum vầy trọn vẹn bên gia đình.
Các hướng dẫn viên đều cho biết năm nay vui hơn vì được trở lại với công việc sau dịch. Dù phải vắng nhà ngày Tết, họ còn có việc làm, được sống với đam mê.
Thanh Thu