(KTSG Online) – Tình trạng thẻ SIM rác được các cơ quan chức năng xử lý từ nhiều năm nay nhưng không hiệu quả do trước đây phần lớn được các công ty viễn thông bán ra thị trường qua kênh đại lý. Vì vậy, cơ quan chức năng cứ thanh tra và xử phạt các đại lý nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Biện pháp mới được các cơ quan chức năng đưa ra là các mạng viễn thông buộc phải bán SIM trực tiếp hoặc các kênh bán hàng uy tín, và nếu nhà mạng vi phạm sẽ bị xử lý mạnh tay… Biện pháp mới này được cho rằng sẽ giải quyết triệt để tình trạng SIM rác trong thời gian tới.
- Còn gần 2 triệu thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin
- Chuyển công an xử lý thuê bao giả mạo giấy tờ đăng ký thông tin di động
“Khóa nguồn” gây ra SIM rác
Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết những người dùng di động tại Việt Nam thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo làm phiền. Phần lớn những cuộc gọi và tin nhắn này được gọi từ sim rác. Vì nếu các cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện từ sim chính chủ sẽ bị xử phạt hành chính.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tình hình lừa đảo qua điện thoại, những cuộc gọi rác, tin nhắn rác ngày càng tăng gây bất an trong xã hội. Những đối tượng lừa đảo sử dụng sim rác để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, các loại sim rác cũng được sử dụng nhiều cho hoạt động tín dụng đen…
Từ thực tế trên, cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen với hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư rà soát, xác thực các thuê bao di động, loại bỏ ngay các sim rác, không để các đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động tín dụng đen.
Tại cuộc họp báo tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông được tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu sim được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Khoảng 80% trong số đó được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng của các nhà mạng hoặc cửa hàng điện máy.
Ông Long cho biết vẫn còn tình trạng đại lý thuê người đăng ký sim với đầy đủ thông tin để đảm bảo có thể đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó bán lại cho người dùng khác – thuê bao không chính chủ.
Do nhận thấy tình trạng SIM rác không xử lý được do “lỗ hổng” là các nhà mạng không thể kiểm soát hoạt động của đại lý nên Bộ đã yêu cầu các nhà mạng dừng bán SIM qua các đại lý từ ngày 10-9.
Như vậy, thay vì sử dụng kênh đại lý như trước, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc bán SIM qua các cửa hàng của mình và những kênh chuỗi có uy tín như siêu thị điện máy để đảm bảo kiểm soát được hoạt động phát triển thuê bao. Ông Long cho rằng, chỉ có kiểm soát việc phát triển thuê bao chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ được sử dụng tràn lan.
Cung cấp thông tin cho biết Bộ sẽ xử lý mạnh tay, ông Long cho hay các nhà mạng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo Nghị định 14/2022. Nếu phát hiện tình trạng SIM rác còn tiếp diễn, sẽ đình chỉ từ 3-12 tháng tuỳ theo mức độ vi phạm của các nhà mạng.
Với động thái quyết liệt trên của cơ quan quản lý, Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng sẽ kiểm soát được tình trạng SIM rác gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến an ninh trật tự vẫn tồn tại gần đây sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian tới. Bởi trước đây các nhà mạng kêu không quản lý được tình trạng SIM rác vì bán hàng qua đại lý, giờ đây nhà mạng buộc phải bán hàng trực tiếp và qua kênh chuỗi (các cửa hàng điện máy uy tín lớn, chứ không phải các cửa hàng đại lý SIM nhỏ lẻ) trách nhiệm của nhà mạng được đề cao. Do sợ nếu để xảy ra sai phạm thì sẽ bị xử lý nên nhà mạng sẽ kiểm soát chặt, không dám để xảy ra tình trạng SIM rác nữa.
Giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả – bài toán khó?
Được biết, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động của 8 nhà mạng tại nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
Đối tượng thanh tra là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều SIM thuê bao, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều SIM để bán ra thị trường.
Được biết, khi thanh tra, ngoài hoạt động xử phạt, nếu phát hiện các sai phạm cố tình giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt SIM gây ra hậu quả thì tùy theo mức độ vi phạm, đoàn thanh tra sẽ chuyển cho cơ quan công an để tiếp tục xử lý.
Đây không phải là lần đầu tiên mà là lần thứ 2 hoạt động thanh tra này được thực hiện trên diện rộng, quy mô toàn quốc. Lần thứ nhất, hoạt động này được triển khai vào cuối năm 2019 và đã xử phạt 12 chi nhánh và 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền gần 420 triệu đồng.
Được biết, mới đây khi tiến hành đối soát với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.
Sau đó, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống.
Ông Long cho biết trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Nhưng hiện nay Bộ Công an đã có cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư – là căn cứ để các nhà mạng đối soát thông tin thuê bao.
Hiện ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối tới cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký thuê bao mới, các thuê bao của 3 nhà mạng này sẽ được đối soát trực tuyến, nếu khớp với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thì thuê bao mới được chấp nhận.
Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel… hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Nên định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.