Tỉnh ủy Ninh Bình vừa ban hành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030. Trong đó, từ nay đến 2025, tỉnh sẽ triển khai quy trình sáp nhập huyện Hoa Lư với 11 xã, thị trấn, rộng gần 103 km2, dân số khoảng 72.000 vào TP Ninh Bình. Sau sáp nhập, thành phố mới sẽ mở rộng hơn 150 km2, dân số khoảng 200.000.
TP Ninh Bình mới sẽ được xây dựng theo định hướng đô thị cố đô - di sản dựa trên các giá trị về tự nhiên, sinh thái, văn hóa lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí để công nhận đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là đô thị loại một trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia.
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam, tồn tại 42 năm (968-1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Tháng 12/2001, thị xã Ninh Bình được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện thành phố có diện tích hơn 48 km, dân số hơn 120.000, sinh sống ở 11 phường và ba xã.
Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, cho biết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặc biệt quan trọng của tỉnh. Việc này nhằm mở ra không gian phát triển mới, xử lý mối quan hệ giữa xây dựng nông thôn với đô thị hóa và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Ninh Bình cũng dự định điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Tam Điệp giai đoạn 2023-2025, định hướng phát triển thành phố trẻ này thành đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Tam Điệp sau khi mở rộng sẽ kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng di sản danh thắng Tràng An và tạo động lực phát triển vùng đông nam của huyện Nho Quan.
Lê Hoàng