Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tuần này tại thủ đô New Delhi đánh dấu cột mốc Ấn Độ chờ đợi từ lâu, trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi nỗ lực xây dựng nước này thành siêu cường mới nổi, với khả năng điều phối các vấn đề địa chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế và 2/3 dân số toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo của nhóm thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy chính sách liên quan đến ổn định tài chính và định hướng phát triển kinh tế thế giới.
Để chuẩn bị cho hội nghị, Ấn Độ, nước chủ tịch G20 năm nay, đã lên kế hoạch an ninh trong nhiều tháng, xem xét mọi rủi ro để đưa ra những quy định kỹ lưỡng nhất.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lãnh đạo dự hội nghị, Ấn Độ sẽ triển khai hơn 100.000 nhân viên an ninh trên khắp các đường phố. Lực lượng này được biên chế pháo hạng nặng, 5.000 camera an ninh công nghệ AI, thiết bị gây nhiễu, chó nghiệp vụ và nhiều trang bị khác.
Lực lượng an ninh Ấn Độ cũng triển khai các đơn vị lính biệt kích, bắn tỉa, xử lý bom, phát hiện chất nổ cùng các khí tài hiện đại.
Để bảo vệ không phận, Không quân Ấn Độ (IAF) triển khai hệ thống an ninh toàn diện, biến thủ đô New Delhi thành một "pháo đài".
IAF sẽ đặt các tiêm kích Rafale, MiG-29, Mirage-2000 và Sukhoi-30 MKI trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại các căn cứ không quân trọng yếu. Một nhóm tiêm kích sẽ liên tục tuần tra trên không, ứng phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào, từ hóa học đến hạt nhân.
Dù lượn, khinh khí cầu sẽ bị cấm hoạt động trên bầu trời New Delhi cho đến ngày 12/9. IAF cũng điều động trinh sát cơ, tên lửa phòng không, máy bay không người lái (UAV), hệ thống chống UAV để trực chiến. Họ xác định ba mối đe dọa tiềm ẩn là UAV cỡ nhỏ, tên lửa, máy bay thương mại được sử dụng để tấn công khủng bố như vụ 11/9.
Nguồn thạo tin của NDTV cho biết tên lửa phòng không tầm trung Akash và MRSAM sẽ được triển khai bảo vệ không phận thủ đô.
IAF sẽ xử lý các mối đe dọa trên không theo nhiều bước. Sau khi radar và hệ thống cảm biến phát hiện và xác định chính xác mối đe dọa, Trung tâm Chỉ đạo Tác chiến (ODC) sẽ xác định các bước hành động tiếp theo, trong đó có khai hỏa tên lửa để vô hiệu hóa mục tiêu.
Kể từ ngày 8/9, việc đi lại ở New Delhi sẽ "đặc biệt khó khăn". Giới chức đóng cửa các trường học, ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chính phủ, đồng thời phong tỏa giới tuyến với các bang lân cận. Chỉ có các dịch vụ thiết yếu được duy trì hoạt động.
Phong tỏa trung tâm hành chính của New Delhi cũng là trọng tâm của kế hoạch tăng cường an ninh. Khu vực này rộng gần 43 km2, bằng 3/4 diện tích Manhattan ở New York, Mỹ. Đây là nơi có nhiều công viên được chăm sóc tỉ mỉ, tượng đài đá sa thạch và nhà bungalow cho giới thượng lưu.
Hệ thống tàu điện của thành phố vẫn hoạt động, song cảnh sát giao thông sẽ cấm hầu hết các tuyến gần trụ sở quốc hội và chính phủ, nơi khách dự hội nghị chủ yếu tập trung tại các khách sạn 5 sao.
Các lãnh đạo thế giới sẽ gặp mặt tại một trung tâm hội nghị được cải tạo trong 4 năm rưỡi với chi phí 27 tỷ rupee (326 triệu USD). Trung tâm này còn lớn hơn nhà hát Opera Sydney nổi tiếng của Australia.
Lực lượng cảnh sát cũng sẽ kiểm soát các cuộc biểu tình liên quan đến những chủ đề nóng ở Ấn Độ, trong đó có bạo lực sắc tộc ở bang Manipur và các cuộc đụng độ dân sự ở một số thị trấn lân cận New Delhi. Nhiều cơ quan trong nước liên tục cập nhật thông tin cho cảnh sát theo thời gian thực, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình.
"Tổng thống Modi đặt nhiều hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh G20 này", Michael Kugelman, giám đốc viện nghiên cứu Nam Á ở Trung tâm Wilson, trụ sở Washington, nhận định.
Tổ chức thành công hội nghị sẽ giúp nâng cao danh tiếng của ông Modi với tư cách là một nhà lãnh đạo có năng lực, đồng thời tăng uy tín cho đảng Bharatiya Janata cầm quyền của ông trong 5 cuộc bầu cử cấp bang diễn ra trong năm nay và cuộc bầu cử toàn quốc năm 2024.
"New Delhi rất coi trọng chức vụ chủ tịch G20. Ngoài lợi ích cốt lõi của quốc gia và các mục tiêu đối ngoại, Ấn Độ cũng gián tiếp liên kết vai trò này với chính trị trong nước", ông Kugelman nói.
Đức Trung (Theo Bloomberg, Kashmir, NDTV)