Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Khám phá đảo Hòn Dấu - điểm đến nhiều trải nghiệm

Hải Phòng - đảo Hòn Dấu là điểm du lịch có rừng nguyên sinh, bãi đá cổ, ngọn hải đăng 125 tuổi cùng hệ thống đền thờ linh thiêng.

Hải Phòng có đảo Hòn Dấu cách đất liền không xa

Đảo Dấu hay đảo Hòn Dấu, thuộc quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, cách đất liền khoảng 700 m.

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" biên soạn vào thời Nguyễn, đảo Hòn Dấu trước đó có tên là Song Ngư hoặc Cồn Dừa, còn trong dân gian, ngư dân địa phương gọi là đảo Hòn Dấu bởi nó được đánh dấu trên bản đồ làm mốc cho tàu thuyền qua lại các luồng lạch cửa biển.

đảo Hòn Dấu

Nhìn từ trên cao, đảo Hòn Dấu có hình trái tim, nổi bật giữa biển. Đây là một hòn đảo nguyên sinh, có diện tích 12,5 km2. Trên đảo không có hộ dân sống cố định.

đảo Hòn Dấu

Để đi ra đảo Hòn Dấu, du khách đi tàu từ bến trong khu du lịch Hòn Dấu với giá 90.000 đồng một người, thời gian di chuyển khoảng 10 phút. Nơi đây có nhiều trải nghiệm dành cho những người ưa khám phá, thích thiên nhiên hoặc du lịch tâm linh.

đảo Hòn Dấu

Tại đảo Hòn Dấu có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Đồ Sơn. Trên đảo có 5 đền chùa là đền thờ Nam Hải Thần Vương, đền - chùa Sơn Lâm, đền Mẫu, đền - chùa Đông Phương và đền - chùa Nam Phương.

đảo Hòn Dấu

Đền Nam Hải Thần Vương, thờ một võ tướng nhà Trần hy sinh trong trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, nổi tiếng nhất.

đảo Hòn Dấu

Theo Đại Nam nhất thống chí và tương truyền, ngày 9 tháng 2 Âm lịch năm 1288, ngư dân đánh cá gần đảo Dấu, phát hiện một thi thể nên đưa lên đảo. Qua trang phục và những gì thu thập được mọi người nhận ra đây là vị võ tướng nhà Trần đã hy sinh và trôi dạt về. Sau đó người dân lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn, thành kính gọi "Lão Thần Đảo".

Vào thời nhà Lê, khi vua Lê kinh lý vùng Đồ Sơn nghỉ đêm trên đảo đã ban cho người võ tướng tước hiệu "Lão Đảo Thần Vương", đến đời vua Tự Đức được phong tước Nam Hải Thần Vương.

đảo Hòn Dấu

Tại đảo Dấu còn có ngọn hải đăng dẫn tàu ra vào cảng Hải Phòng. Đây là công trình do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1896 và đến tháng 6 năm 1898 đi vào hoạt động.

Hải đăng đảo Dấu có chiều cao 63,5 m so với mực nước biển, được thiết kế theo hai phần chính gồm tòa trưng bày và tháp đèn.

đảo Hòn Dấu

Hải đăng có tầm phát sáng trong điều kiện thời tiết bình thường là 20,7 hải lý (khoảng 40 km). Để lên được đỉnh, du khách phải leo 125 bậc thang thiết kế hình xoắn ốc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hải đăng bị máy bay Mỹ nhiều lần ném bom phá hoại, sau đó được sửa chữa và giữ kiến trúc ban đầu.

đảo Hòn Dấu

Du khách tham quan hải đăng còn chụp ảnh lưu niệm cùng vỏ quả bom còn sót lại sau chiến tranh. Vé tham quan hải đăng là 6.000 đồng một người một lượt.

Chị Hải Ngân, ngụ quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, đánh giá đảo Dấu là điểm du lịch kỳ thú với du khách thích hoạt động. Chị Ngân đã nhiều lần ra đảo cắm trại, chụp ảnh cùng bạn bè.

đảo Hòn Dấu

Phần lớn diện tích đảo được bao bởi rừng nguyên sinh nên không khí trong lành. Năm 2013, 35 cây đa búp đỏ từ 400 đến 700 năm tuổi trên đảo đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

đảo Hòn Dấu

Bao quanh đảo Hòn Dấu là những gềnh đá, quanh năm sóng vỗ. Nhiều du khách đánh giá, gềnh đá đảo Dấu to và đẹp không kém Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên.

Với các yếu tố tự nhiên, lịch sử, văn hóa, năm 2009, đảo Hòn Dấu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh thắng cấp Quốc gia. Mỗi năm đảo đón khoảng 20.000 lượt khách. Theo đánh giá của UBND quận Đồ Sơn, lượng khách trên vẫn còn khiêm tốn với tiềm năng.

g-news247