“Metrology” là nghệ thuật đo lường – quá trình thiết yếu nhằm đảm bảo độ bền cũng như hiệu năng của linh kiện cơ khí. Anh Michael Stockdale là Trưởng phòng đo lường của Bentley và nhiệm vụ của anh là đảm bảo mọi bộ phận cấu thành xe đều đạt kích thước và dung sai tham chiếu. “Chúng tôi có máy móc để đo tới kích thước 0,5 micron, chúng tôi đo đạc mọi thứ, từ vân da bọc nội thất, bề mặt lòng xy lanh cho đến độ dày sơn. Đội ngũ đo lường đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng mọi chiếc Bentley xuất xưởng đều đạt mức hoàn hảo.”
Biểu tượng Flying B - đỉnh cao kỹ thuật đo lường
Biểu tượng Flying B là nét đặc trưng của mẫu xe Bentley Flying Spur
Đo lường và thực thi các tiêu chuẩn cao nhất về độ chính xác kích thước là đặc biệt quan trọng đối với một chiếc xe hiện đại, nơi nhiều bộ phận có sự kết nối và có những chuyển động phức tạp. Một ví dụ tiêu biểu là biểu tượng Flying B gắn ở đầu xe Flying Spur. Nó có thể phát sáng, trồi lên, thụt xuống một cách mượt mà, được kết nối với hệ thống mở cửa thông minh Comfort Access, kết nối cả với màn hình thông tin giải trí và tablet điều khiển dành cho người ngồi sau.
Chưa dừng lại ở đó, biểu tượng này cần phải tự động thụt xuống với tốc độ cao khi có tai nạn. Tất cả những công năng phức tạp đó đòi hỏi các bộ phận cấu thành Flying B phải đạt dung sai chỉ 0,15 mili-mét.
Dung sai nhỏ hơn 1 tế bào hồng cầu
Những máy móc siêu chính xác ở Trung tâm đo lường Bentley
Chúng ta hay dùng cụm từ “nhỏ như sợi tóc” để mô tả những thứ rất nhỏ bé, nhưng với anh Michael và cộng sự thì 1 sợi tóc vẫn là dung sai quá lớn. “Tóc người có thể dày từ 17 micron đến 150 micron. Chúng tôi sử dụng máy móc có thể đo được tới mức 0,5 micron. Một micron bằng 1 phần triệu mét, 1 tế bào hồng cầu có kích thước 5 micron và có một vài bộ phận trên xe Bentley đòi hỏi dung sai nhỏ tới mức 0,5 micron”, anh Michael chia sẻ.
Cỗ máy W12 là niềm tự hào của Bentley
Một ví dụ của việc đòi hỏi dung sai tuyệt đối chính là trục khuỷu của khối động cơ W12 huyền thoại của Bentley. Trục khuỷu chuyển đổi chuyển động tịnh tiến của các pít tông thành chuyển động xoay để đẩy chiếc xe đi và nó phải chịu áp lực vô cùng lớn. Các miếng bạc lót trục khuỷu của khối W12 được khắc những rãnh hiển vi để giữ lại 1 lượng dầu nhớt cực nhỏ nhưng vô cùng cần thiết để ngăn chặn ma sát giữa kim loại và kim loại. Đội ngũ Bentley sử dụng máy Perthometer (một dụng cụ để đo độ hoàn thiện bề mặt) để đo lường chất lượng của bộ phận thiết yếu này, đảm bảo rằng chúng đạt tiêu chuẩn để khiến khối động cơ W12 mạnh mẽ và bền bỉ đúng như kỳ vọng khách hàng.
Một chiếc Flying Spur bằng nhôm nguyên khối
Kỹ sư đang đo lường mô hình nhôm nguyên khối
Không chỉ đo đạc từng bộ phận riêng lẻ, các kỹ sư của bộ phận đo lường còn đo đạc và kiểm soát những chiếc xe đã lắp ráp hoàn thiện. Mọi chiếc xe thương mại đều được đo đạc và tham chiếu bởi 1 phiên bản gốc, được tạc nên bởi 1 khối nhôm nguyên khối, Bentley gọi đó là “cubing reference vehicle”. Mô hình tham chiếu này được chụp ảnh bởi mọi góc độ bằng camera độ phân giải cao và được tạo thành 1 mô hình số bởi phần mềm CAD.
“Hãy tưởng tượng rằng trên 1 chiếc Flying Spur, nắp capô và mặt ca lăng bị vênh 1 mili-mét. Vậy ca pô không đạt chuẩn hay mặt ca lăng không đạt chuẩn? Chúng tôi không thể có câu trả lời nếu như không có mô hình tham chiếu gốc”, anh Michael Stockdale giải thích.
Máy quét quang học
Đĩa phanh xe Bentley đang được kiểm tra độ láng
Mỗi bộ phận, mỗi chất liệu đều có những cách đo lường khác nhau. Chúng tôi không thể dùng máy đo có tiếp xúc vật lý đối với táp pi cửa có thêu hình quả trám 3D trên Bentley Flying Spur, vì da là vật liệu mềm và chạm vào chúng sẽ làm sai lệch kết quả đo lường. Thay vào đó, máy quét laser sẽ kiểm tra độ phồng và hình khối của từng quả trám dù là nhỏ nhất.
Táp pi cửa bọc da 3D của mẫu Bentley Flying Spur
Khoang cabin xa hoa của chiếc Flying Spur là thử thách to lớn đối với team đo lường. Mọi chi tiết dù là kích thước lớn như tấm da bọc trần nguyên miếng, các tấm gỗ ốp, ghế ngồi với hàng chục hướng di chuyển cho đến những chi tiết nhỏ như viền kim loại khía rãnh kim cương – tất cả đều là những bài toán khó. Đội ngũ của Bentley liên tục phải đối mặt với những thử thách mới nhưng chúng cũng khiến họ góp phần tạo nên những chiếc xe vượt xa tiêu chuẩn chung của ngành xe hơi.
Kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ
Kỹ sư đang đo đạc mô hình xe Bentley nguyên khối
Mọi vật liệu đều nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh. Do đó, yếu tố then chốt của việc đo lường là nhiệt độ trong phòng đo phải cực kỳ chuẩn xác. Phòng đo lường luôn được duy trì ở mức nhiệt 20 độ và độ ẩm cũng được kiểm soát chặt chẽ. Dù vậy, ngay bên trong phòng đo lường còn có 1 khu vực đặc biệt, với tiêu chuẩn về nhiệt độ và độ ẩm còn chặt chẽ hơn nữa, tên là High Accuracy Measurement Area. Khu này sử dụng hệ thống điều hòa riêng với thiết kế cửa đặc biệt để nhiệt độ bên trong không bao giờ dao động quá 0,5 độ C. Bên trong đó là 3 phiến đá hoa cương khổng lồ có vai trò làm bàn đo lường, đá hoa cương được lựa chọn để hạn chế tối đa rung động vật lý.
“Điều thú vị là các linh kiện cho vào phòng đặc biệt cũng cần được ‘nhúng’ trong làn không khí trong đó để đạt mức ổn định nhiệt tối đa. Những bộ phận lớn như thân động cơ sẽ cần tới 1 tuần liên tục ở trong phòng đặc biệt để phần kim loại ở sâu trong lõi cũng có nhiệt độ cân bằng so với phần bên ngoài”, anh Michael chia sẻ.
Đóng góp thầm lặng
Sự tinh tế đến từng tiểu tiết là thứ khiến xe Bentley đặc biệtKhách thăm quan nhà máy Bentley sẽ không bao giờ có dịp nhìn thấy Trung tâm đo lường - Metrology department, ngay cả chủ xe Flying Spur hay Bentayga cũng không thể tiếp cận khu vực này. Dù vậy, hiệu năng và độ bền của mọi chiếc Bentley đều có sự góp phần không nhỏ của 26 con người làm việc ở Trung tâm đo lường. Từng chiếc Bentley xuất xưởng đều là sự vinh danh to lớn dành cho những người hùng thầm lặng này.
Tìm hiểu triết lý Luxury Performance với Bentley Flying Spur Theo Pham Vĩ