Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh

Thứ năm, 21/09/2023 | 16:05
[G-News24/7] -

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” cho 90 doanh nghiệp.

Đây là những doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ các quy định về môi trường, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành, thân thiện với môi trường, góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

TP.HCM trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh" cho 90 doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023
TP.HCM trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh" cho 90 doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023

Chúc mừng các doanh nghiệp được tôn vinh và đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xanh”, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn mỗi doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và đồng hành với chính quyền thành phố, chung tay hành động cho mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ, mô hình kinh doanh nhằm hoàn thiện mục tiêu tăng trưởng xanh của thành phố.

Yêu cầu cấp bách phải chuyển đổi xanh

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: TP. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.

Tuy vậy, TP.Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước), về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.

Theo đánh giá của các đại biểu quốc tế, công nghệ sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Đối với doanh nghiệp, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với kinh tế xanh cũng là thách thức không nhỏ trên nhiều mặt như năng lực của doanh nghiệp khi tích hợp các giải pháp vào sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, cơ chế chính sách, tài chính cho chuyển đổi…

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hướng tới phát thải ròng bằng “0” sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà còn mang lại thương hiệu cho doanh nhiệp. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn hấp dẫn doanh nghiệp vì sẽ giải quyết được các vấn đề về môi trường, tài nguyên, đem lại cơ hội về phát triển kinh tế và xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, giai đoạn này chính là cơ hội tốt nhất để các doanh nghiệp nhận thức lại mô hình kinh doanh truyền thống, tiếp cận với các cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn liên kết hợp tác và huy động nguồn lực để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng đến hiệu quả về lâu dài. Sự chậm trễ chuyển đổi sẽ khiến doanh nghiệp tụt hậu xa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khác nhau về tăng trưởng xanh đã và đang ngày càng phổ biến trên thế giới và ngay tại thị trường nội địa.

Vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, thứ nhất, doanh nghiệp cần tham gia với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình thiết lập thị trường các-bon trong nước, đây là cơ hội để các doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính có thể mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon từ các hoạt động chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ hai, doanh nghiệp có nhiều điều kiện để tiếp cận và thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” một cách đa mục tiêu. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn thay đổi quá trình quản lý, cắt giảm phát thải trong các hoạt động nội bộ và trong chuỗi cung ứng, đồng thời có các hoạt động trao đổi, bù trừ phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tranh thủ tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh. Huy động tài trợ nhằm đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đòi hỏi sự hợp tác sáng tạo và bền vững giữa các bên liên quan với nguồn vốn lớn từ đầu tư công và tư nhân.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu, xu thế - mọi quốc gia đều mong muốn đạt được
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu, xu thế - mọi quốc gia đều mong muốn đạt được

Ngay tại Diễn đàn, một số quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài cho biết sẽ tham gia vào việc cung cấp nguồn tài chính linh hoạt cho chuyển đổi năng lượng xanh của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Aguin Toru - Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hà Nội cho biết, hiện Nhật Bản đang thúc đẩy các chính sách giảm thải các-bon.

Ngân hàng mong muốn hỗ trợ kỹ thuật, tài chính linh hoạt cho các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này, như phát triển năng lượng mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo khác…

Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận và thống nhất tại Diễn đàn là sự khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Doanh nghiệp xanh đồng hành và phát triển bền vững
g-news247