Đập Khe Là, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, dài khoảng 3 km, rộng hơn 500 m, điểm sâu nhất 38 m, dung tích 2 triệu m3. Nhìn từ trên cao, phía tây đập là cánh rừng thoai thoải xen lẫn vài căn nhà. Phía đông là bờ kè bêtông. Phía bắc và nam có nhiều hòn đảo nhỏ, người dân trồng keo và chè. Một số vị trí cây cối rập rạp.
Những năm 1970, dưới đập Khe Là là xóm Bắc Sơn, xã Phú Sơn, nơi sinh sống của hơn 15 hộ gia đình. Họ trồng lúa nước và mía mưu sinh nhưng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Giao thông khó khăn, điện chưa đấu nối, mùa hè hạn hán, hoa màu khô héo, mùa mưa thì lũ quét và sạt lở đất.
Là cán bộ xã Phú Sơn từ năm 1980, sau này làm Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND xã cho đến khi về hưu năm 2019, ông Nguyễn Hồ Thú nói từ năm 1982 các đoàn của tỉnh và huyện đã về khảo sát xây đập Khe Là để đưa hơn 15 hộ dân ở lòng chảo Bắc Sơn thoát khỏi cảnh sống khổ, đồng thời giải quyết tình trạng hạn hán ở khu vực.
Nhưng phải đến năm 2009, khi các hộ dân được di dời, đập Khe Là mới được động thổ. Doanh nghiệp thủy lợi huy động nhân lực đắp bờ, xây kè, tạo độ sâu. Tháng 8/2010, công nhân chuẩn bị giải tỏa hơn 15 ngôi nhà giữa lòng hồ thì một trận lũ lớn ập đến, nhấn chìm cả xóm Bắc Sơn, không thể nạo vét được nữa.
Đập Khe Là hoàn thành năm 2010, so với hơn 100 hồ đập tại huyện Tân Kỳ thì diện tích chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, con đập lại nổi tiếng cả miền Trung do có nhiều loài cá lớn như trắm đen, chép đến cư trú.
Anh Đặng Văn Tú, 33 tuổi, đang đấu thầu nuôi cá lăng tại Khe Là, cho biết ước tính cá tự nhiên tại đập hiện vài chục tấn, trong đó có hơn 300 con trắm đen nặng từ 30 kg trở lên, đặc biệt có khoảng 10 con nặng tầm 60-80 kg, nhưng chưa cần thủ nào câu được. Gần đây nhất tối 15/6, nhóm cần thủ ở thị xã Thái Hòa câu được con trắm đen 40 kg, đường kính bụng 40 cm, dài hơn một mét.
Hiện mỗi ngày có hàng chục thợ câu đến dựng lán, đặt cần săn cá ở Khe Là. Anh Tú cắm biển cấm đánh bắt tận diệt cá tự nhiên, chỉ cho các cần thủ chinh phục các loài cá lớn, quay video. Nếu bắt được cá lớn, thường gọi là "thủy quái" thì thợ câu tùy ý xử lý, cá nhỏ sẽ phải thả lại đập để bảo tồn.
Vì sao Khe Là nhiều cá lớn?
Theo ông Nguyễn Hồ Thú, những năm 2010 hàng chục hộ dân xóm Quyết Thắng, phía trên của xóm Bắc Sơn, đào hồ rộng 500-1.000 m2 nuôi cá trắm đen, mỗi năm bán hàng trăm tấn, trung bình mỗi con nặng 7-15 kg. Năm 2013, địa bàn xảy ra mưa lũ lịch sử, nhà dân ngập gần 2 m, tất cả ao hồ nuôi cá tại xóm Quyết Thắng tràn bờ. Hàng nghìn con trắm đen gần đến thời kỳ thu hoạch bị cuốn trôi về Khe Là rồi mắc kẹt tại đây. "Lũ lụt ập về người dân mất trắng hàng trăm tấn cá, nhưng Khe Là lại được bổ sung nguồn thủy sản lớn", ông Thú nói.
Xung quanh đập có nhiều thức ăn tự nhiên như ốc, hến, dắt, trai..., bám quanh hốc đá, bờ kè hay lẫn dưới bùn. Trong số này ốc là loài cá trắm đen ưa thích chiếm số lượng nhiều nhất. Anh Đặng Văn Tú cho biết mỗi ngày người dân trong xã bắt được hàng tấn ốc đem bán. Nhờ lượng mồi phong phú nên trắm đen cũng như các loài cá chép, lăng, leo, mè, chim, trôi... cư trú tại đập sinh sôi, phát triển nhanh, nhiều con đạt kích cỡ cực đại.
Khe Là nhiều cá lớn, nhưng nếu ai có ý định câu trộm hay giăng lưới thường thất bại bởi dưới đáy và lưng chừng mặt nước có đầy "thiên la địa võng". Cá lớn thường trú ẩn ở những ngôi nhà, cây cối dưới đáy đập. Khi mắc câu, chúng quẫy tứ tung, quấn dây cước vào nhà cửa khiến dây đứt. "Có lần cá kéo cả cần trị giá 30 triệu đồng xuống đập mất luôn. Mỗi năm tôi đến Khe Là 20 lần với mục tiêu săn thủy quái, nhưng đều ra về tay trắng", anh Trần Văn Mạnh, 25 tuổi, kể.
Theo cần thủ này, Khe Là sâu hơn 30 m, anh không dám lặn xuống đáy. Song với những điểm cạn tầm 10 m, anh đã cùng bạn khám phá, phát hiện nhiều hang ngách sát đồi, đường kính hơn 20 cm, đưa tay vào không tới đáy. Ngày thường mặt đập phẳng lặng, nhưng lúc mưa gió thì như nổi cuồng phong, mặt nước tạo từng đợt sóng lớn vỗ vào bờ, xung quanh cây cối rung lắc liên hồi. Mùa hè nơi này nắng chói chang, đông về lạnh thấu xương.
"Tôi bị sốt rét, ốm liên miên sau mỗi lần trở về từ Khe Là. Năm 2021, tôi bị 5 trận ốm, thời gian sau thì đỡ hơn, chỉ cảm nhẹ rồi khỏi vì đã thích nghi được khí hậu và biết cách phòng tránh", anh Mạnh nói và cho hay nếu ai quen địa hình thì trụ được một tuần, còn lại giăng câu khoảng 3 ngày là phải ra về.
Những đợt đi câu tại Khe Là kéo dài từ hai ngày đến hàng tuần, anh Mạnh và nhóm bạn thường dựng lán, mắc võng nghỉ qua đêm. Có hôm Mạnh trông thấy con rết to bằng ngón tay cái chuẩn bị cắn tay người bạn đang nằm ngủ, anh phải dùng tấm vải chụp con vật rồi đánh chết. Cần thủ do đó có quy tắc khi dùng bữa không được vứt thức ăn xuống đất vì côn trùng sẽ bò tới.
"Lịch sử, địa hình, khí hậu... khiến Khe Là trở nên kỳ bí, cần thủ nào cũng muốn đến câu một lần. Loài cá khủng nhất tại đập là trắm đen vẫn trú ngụ an toàn dưới đập, bất chấp nhiều cái bẫy đang giăng chờ chúng", anh Mạnh nói.
Bài tiếp: Săn "thủy quái" ở đập Khe Là
Đức Hùng